Ngày 10/4 tới đây, dự kiến Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ tiến hành cuộc họp cổ đông bất thường. Trong đại hội, Tre Việt muốn thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, công ty muốn chào bán cổ phần riêng lẻ với quy mô phát hành dự kiến tối đa 35% vốn cổ phần sau phát hành. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 18.500 tỷ đồng, tương ứng 1,85 triệu cổ phần. Như vậy, Bamboo Airways có thể phát hành thêm tối đa hơn 996 triệu cổ phần, tương ứng hơn 9.960 tỷ đồng.
Số lượng cổ phần được phát hành thêm này cũng sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Mục đích đợt phát hành này nhằm tái cơ cấu nợ, tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của công ty. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Bamboo Airway lên gần 28.462 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, cách đây không lâu, trong một bài chia sẻ, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. Đại dịch kéo dài, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.
"Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng", ông Quân cho hay.
Về phía Tập đoàn FLC, hiện tại, khoản đầu tư của tập đoàn vào hãng bay này là 4.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways. Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan). Với vai trò là Tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới.
Số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các ngân hàng từ năm 2020, vì vậy, các nhà đầu tư mới ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toánh nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các Ngân hàng.
Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, năm 2021, Bamboo Airways kinh doanh không có lãi nên FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.
Như vậy tính theo số lượng vốn nắm giữ, năm 2022 Bamboo Airways có thể đã lỗ tới hơn 16.000 tỷ đồng vì đầu tư vào hãng hàng không này.
Bamboo Airways được FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm 100%. Đến tháng 4/2022, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết FLC là cổ đông lớn nhất tại Bamboo Airways với số vốn góp hơn 3.580 tỷ đồng (tương đương 51,24% vốn điều lệ của hãng bay).
Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng góp hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương 40,03% vốn và các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, nắm 8,73%.