Năm 1999, Bạch Thành Trung - sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh (Đại học Ngoại ngữ) - với niềm yêu thích ép xung máy tính (tăng xung nhịp của máy tính để vượt quá tốc độ tối đa được nhà sản xuất chứng nhận) bất ngờ dẫn đầu bảng xếp hạng quốc tế về khả năng ép xung trong suốt 2 tuần. Gương mặt lạ lẫm ấy khiến nhiều “tay chơi" ép xung trên thế giới đặt dấu hỏi.
- Anh bạn đến từ đâu?
- Tôi đến từ Việt Nam.
- Việt Nam cũng có máy tính để dùng à?
Câu hỏi khiến chàng sinh viên ấm ức, quyết lập ra diễn đàn VOZ như một điểm đến dành cho những người thích nghiên cứu về ép xung, máy tính. Số thành viên đăng ký VOZ cứ tăng dần, vượt 1 triệu tài khoản và trở thành một trong những diễn đàn đông đảo, sôi nổi bậc nhất Việt Nam. 23 năm sau, VOZ vẫn là “tụ điểm” của những người quan tâm đến công nghệ, vẫn hút hàng triệu lượt truy cập, còn Bạch Thành Trung cũng trở thành tên tuổi có ảnh hưởng trong cộng đồng của mình với nickname “thím Tủ lạnh”, “fRzzy”.
- Nhìn lại hành trình 23 năm của diễn đàn VOZ, theo anh có thể chia thành những cột mốc lớn nào?
Việc lập ra VOZ hoàn toàn là sự tùy hứng của tôi tại thời điểm đó và đến hiện tại, dù có lúc này lúc kia nhưng hầu hết tôi vẫn làm vì cảm hứng, vì đam mê chứ không phải là một công việc kinh doanh, gây dựng sự nghiệp. Thế nên thú thật, tôi chưa bao giờ để ý đến các giai đoạn hay cột mốc của VOZ. Tuy nhiên, có thể chia thành vài cột mốc thế này:
Mốc đầu tiên là thời điểm diễn đàn VOZ đạt được khoảng 172 thành viên. Tôi không còn nhớ chính xác nhưng đó là một con số rất ấn tượng, bởi vì nửa năm sau, số thành viên không có tăng thêm chút nào nữa. Tuy nhiên sau đó, lượng đăng ký lại liên tục tăng lên, VOZ bắt đầu có tên tuổi trong “làng" máy tính.
Mốc thứ hai, năm 2005-2006, thời điểm mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm, tôi quyết định đóng cửa VOZ vì hết tiền để duy trì. Tôi lập ra VOZ khi còn là sinh viên đại học, khi ấy tôi kiếm được nhiều tiền nhờ đi lắp máy tính thuê. Tôi mua phụ kiện, đồ đạc về lắp máy tính theo đúng nhu cầu của khách, có hoá đơn đầy đủ rồi lấy phí 5% trên tổng hoá đơn. Sau khi tốt nghiệp, tôi không lắp máy tính nữa nên không còn đủ kinh phí “nuôi" VOZ. Suốt một năm đóng cửa diễn đàn, tôi chỉ chơi game thôi, có một anh bạn “nuôi”. Chơi game chán quá, tôi mở lại VOZ. Lúc đó, tôi nghĩ rằng phải làm sao để VOZ ít nhất có thể nuôi được chính nó và tốt nhất là có thể nuôi mình. Tôi quyết định nghỉ việc, chuyển vào TP.HCM. Đó cũng là điều kiện để tạo ra cột mốc thứ ba, vào quãng thời gian 2012-2014, thời kỳ đỉnh cao của VOZ về cả số lượng người dùng và số chủ đề họ tham gia.
Cột mốc quan trọng tiếp theo diễn ra vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến vợ con của tôi mắc kẹt ở Hà Nội, còn mình tôi ở TP.HCM. Năm 2020 cũng là thời điểm lượng traffic của diễn đàn rất tốt, đến nỗi quá tải. Nói thật, trước đó tôi có chút sai lầm khi muốn làm một phiên bản VOZ mới tốt hơn nhưng vẫn còn “vương vấn" phiên bản cũ nên thất bại vài lần. Suốt 30 ngày một mình trong nhà mùa Covid, tôi tạo ra phiên bản mới của VOZ gần như từ con số 0, chỉ giữ lại thành viên, không giữ lại nội dung. Nhiều VOZer cũng tiếc nhưng thực tế, tôi không vứt bỏ nội dung đó mà chỉ lưu trữ lại, không tải lên online.
Hiện tại, lượng traffic của VOZ còn lớn hơn thời kỳ 2012-2014 nhưng có sự phân hoá nhiều hơn. Các VOZer không chỉ nói về máy tính mà còn bàn luận về robot hút bụi, xe máy, xe hơi hay rất nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống. Thế nên, nếu gọi VOZ là diễn đàn công nghệ thì không đúng lắm. Với tôi, tôi thích cụm từ “cộng đồng những người quan tâm đến công nghệ”, tức họ tìm đến vì có chung sở thích là các thiết bị, các cái sản phẩm công nghệ. VOZ như một xã hội thu nhỏ và thật sự, tôi chỉ là người làm cộng đồng chứ không phải là người làm công nghệ.
- Qua bao năm, bao phiên bản, giao diện của VOZ gần như không có nhiều khác biệt. Trong khi đó, các website hiện nay đều hướng đến thiết kế hiện đại. Điều gì khiến VOZ vẫn thu hút người tham gia với một “ngoại hình" xưa cũ như vậy?
Tôi là người rất ghét sự thay đổi. Nếu bây giờ bảo tôi đưa các hình thức như Short (YouTube) hay TikTok, làm video nhảy múa trên VOZ thì tôi chịu. Tôi không chạy theo trend, những thứ thay đổi liên tục như vậy, mệt lắm. Cho nên VOZ, từ năm 1999 đến 2023 vẫn gần như không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, tôi có một triết lý quản lý rằng: làm tốt để người ta thích và muốn tham gia vào VOZ chứ không cố gắng giữ thành viên. Tôi nói vui, VOZ chỉ có “ban nick” thành viên chứ không bao giờ nói nửa câu mời thành viên ở lại. Trên thực tế, là người làm cộng đồng, tôi không bao giờ mình nghĩ rằng mình nên đuổi một người nào đó ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, những thành viên làm cho cộng đồng trở nên độc hại thì cần rời đi.
Dẫu vậy, mọi người vẫn thích VOZ không phải vì thích tôi, thậm chí còn nhiều người ghét tôi, nhưng vì họ thích một cộng đồng có thể chia sẻ, từ sở thích công nghệ đến những vấn đề trong cuộc sống. Đó là dấu hiệu của việc tôi đã xây dựng thành công một cộng đồng mà mọi người muốn tham gia, “ban nick” người ta vẫn tìm cách quay lại.
- Anh từng có giai đoạn dành 16-18 tiếng/ngày trên internet. Bây giờ thì sao, thưa anh?
Bây giờ thời gian tôi online trên internet đã ít hơn nhưng tỷ lệ thời gian dành cho VOZ lại nhiều hơn trước. Nếu nói về một ngày làm việc, tôi làm gì với VOZ thì khoảng một nửa thời gian dùng để… tham gia vào những cuộc tranh luận trên diễn đàn. Tranh luận trên VOZ hay lắm, còn giúp tăng tư duy phản biện. Bởi nếu tranh luận mà không chặt chẽ, sơ hở thì sẽ có người bắt bẻ luôn. Đồng thời mình cũng học được nhiều điều, biết được nhiều thông tin mới.
- Định hướng của anh cho hành trình trong tương lai của VOZ là gì?
Có một khoảng thời gian, khi diễn đàn đã khá lớn, tôi tham vọng biến VOZ thành một cái gì đó thật to. Tôi làm thêm một số dự án bên lề có liên quan khác như trang tin VOZ, VOZ TV. Nhưng cũng chẳng giấu gì, những ấp ủ đó đều thất bại. Tôi rút ra kết luận rằng thay vì theo đuổi những điều viển vông thì nên tập trung vào điều mà mình đang làm tốt. Bước vào tuổi trung niên, tôi có cảm giác tham vọng của mình cũng bé lại. Tôi quyết định sẽ chỉ tập trung làm sâu, phát triển cộng động VOZ, theo hình thức thảo luận.
- Ngoài đam mê về công nghệ, dường như anh còn có tình yêu lớn dành cho ô tô và sở hữu tới ba chiếc ô tô điện. Anh mua chiếc xe điện đầu tiên từ khi nào?
Tôi thích xe, cả ô tô lẫn xe máy. Qua những gì tìm hiểu từ bạn bè, tôi biết chạy xe điện rất thích. Trước đó, tôi cũng đã mua chiếc xe xăng VinFast Lux. Tôi thấy VinFast là một thương làm xe nghiêm túc, có tư duy làm đến nơi đến chốn và tử tế. Vậy nên khi VinFast e34 ra mắt, tôi cũng đặt mua luôn. Sau đó tôi mua thêm VinFast VF8 để phục vụ nhu cầu cá nhân và một chiếc VinFast VF5 để các bạn trong đội ngũ tiện đi lại làm việc.
Khi sở hữu chiếc xe điện đầu tiên, tôi xác nhận được đúng một nửa những gì hình dung trong đầu. Vậy là vui rồi. Ưu điểm lớn nhất của xe điện đối với tôi là cảm giác lái rất thích thú, nhanh và nhạy, khả năng tăng tốc tốt, cho tôi cảm giác có kết nối, ăn nhập với chiếc xe. Đương nhiên, cũng có những chiếc ô tô xăng đáp ứng được điều đó nhưng rất đắt, khoảng 4-5 tỷ đồng, trong khi xe VinFast khoảng nửa tỷ đồng.
Tôi cũng đã lái thử những ô tô điện của các BMW, Hyundai. Chúng hoàn thiện hơn VinFast nhưng giá cao hơn rất nhiều. Mức giá cũng là điều quan trọng để xem một sản phẩm có đáng mua hay không. Hơn nữa, tôi đang ở Việt Nam, nơi hiện chỉ VinFast mới có hệ thống trạm sạc nên đó là lựa chọn phù hợp nhất.
- Thị trường xe điện tại Việt Nam dù sôi động những vẫn ở giai đoạn sơ khởi, vì vậy mà việc sản phẩm còn lỗi hay chưa hoàn thiện là điều dễ hiểu. Sở hữu tới 3 chiếc xe điện, anh là người không ngại sử dụng chưa hoàn hảo, có thể có lỗi?
Cuộc sống êm đềm quá cũng buồn!
Với nhiều người tiêu dùng, tôi hiểu họ có tâm lý chung là tìm kiếm sản phẩm hoàn thiện, ít lỗi. Nhưng tôi không như vậy. Tôi muốn tham gia ngay từ giai đoạn đầu, đi cùng sự phát triển của một thương hiệu Việt Nam. Những đóng góp hay phản hồi của mình góp phần giúp sản phẩm hoàn thiện hơn. Tôi thậm chí còn chủ động đăng ký sử dụng phần mềm phiên bản thử nghiệm mới nhất dù chẳng ai ép buộc. Đó là niềm vui. Xe của VinFast vẫn có lỗi nhưng càng những mẫu xe thế hệ sau, các lỗi càng ít hơn. Chiếc VinFast VF5 tôi mới mua gần như chỉ còn một vài lỗi rất nhỏ và phải tinh ý mới nhận ra.
Tôi có một người bạn làm bác sĩ cũng mua xe điện VinFast. Anh ấy dù miệng hay chê xe gặp lỗi này, lỗi kia nhưng ngược lại, luôn hào hứng tìm hiểu. Ngay cả khi còn có vài chiếc ô tô khác nhưng anh ấy vẫn chọn chiếc VinFast để đi. Có nhiều người không cảm thấy phiền phức với một chiếc xe chưa hoàn hảo, thậm chí cảm thấy thích thích thú hơn.
- Quãng đường dài nhất anh từng đi bằng xe điện là bao xa? Anh có gặp khó khăn gì với xe điện không?
Tôi đã chạy đường dài khá nhiều, chuyến dài nhất khoảng 7.200-7.400km. Tôi đi một mình, từ TP.HCM ra Hà Nội rồi xuyên qua Hoà Bình, Sơn La, đến Điện Biên, Lai Châu,... vòng lại Hà Nội rồi ngược về TP.HCM.
Cả quãng đường, nếu bảo gặp khó khăn gì không thì “Có!”, nhưng bảo đó là trục trặc với xe điện thì không. Chuyện xảy ra vào ngày thứ hai trong hành trình, lúc 4 giờ sáng tại Tuy Hoà (Phú Yên), tôi đi vào ổ gà nên mâm lốp bị méo. Đi vào ổ gà là lỗi của mình mà. Sau đó, đội cứu hộ thay mâm lốp mới rồi tôi tiếp tục hành trình.
- Được biết anh là một trong các thành viên thuộc Hội đồng thẩm định chung khảo tại Better Choice Awards, hạng mục ô tô. Tiêu chí đánh giá của anh dành cho các sản phẩm là gì?
Better Choice Awards là giải thưởng không nhằm mục đích tìm ra sản phẩm tốt nhất mà là phù hợp nhất với mức giá người tiêu dùng có thể chi trả cho nó. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, tôi chấm điểm một chiếc xe đáng mua khác với một chiếc xe tốt. Một chiếc ô tô tốt chưa chắc đã đáng mua và ngược lại, một chiếc xe đáng mua chưa hẳn là xe tốt nhất. Có nhiều yếu tố tổng hoà lại để cấu thành nên sự lựa chọn tốt của người tiêu dùng.
Một chiếc xe giá 10 tỷ đồng hẳn là tốt hơn chiếc xe 500 triệu đồng. Tuy nhiên, tính tới tính lui, về sự phù hợp với khả năng của phần lớn người tiêu dùng thì chiếc xe nửa tỷ đồng có thể đáng mua hơn.
Ngoài ô tô, anh còn là người có niềm đam mê, sự quan tâm đến công nghệ. Vậy khi lựa chọn sản phẩm, thương hiệu có sức nặng thế nào với anh?
Thương hiệu rất quan trọng khi mà thương hiệu ấy đã chứng minh được với tôi rằng sản phẩm của họ tốt. Nếu chưa dùng thì tôi đánh giá sức nặng của tất cả các thương hiệu đều giống nhau. Với tư duy như vậy thì mới có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn.
Ví dụ, bạn muốn mua đồng hồ và được nhiều người giới thiệu cho thương hiệu A. Bạn không để ý đến những thương hiệu khác và có thể bỏ lỡ những lựa chọn phù hợp hơn. A có thể làm ra những chiếc đồng hồ hợp với 80% dân số nhưng biết đâu, bạn lại nằm trong 20% còn lại? Nếu bị sức nặng của thương hiệu ảnh hưởng quá sớm và lớn đồng nghĩa với việc cơ hội trải nghiệm với những sản phẩm tốt hơn bị giảm đi.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!