VN-Index tiếp nối chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp với biên độ giảm mỗi phiên đều trên 1%. Những nhịp lao dốc mạnh khiến thị trường chính thức “thủng” mốc 1.100 điểm để về mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. Đây cũng là chuỗi giảm giá sâu nhất của VN-Index kể từ thời điểm cuối năm 2022.
Điều đáng nói thanh khoản cũng “mất hút” khi thị trường giảm sâu. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE từ đầu tháng 10 đến nay chỉ đạt 13.600 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với thời điểm trước đó. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang hết sức thận trọng trước chuỗi giảm giá kéo dài và dè chừng trước những “cạm bẫy” bất ngờ của thị trường.
Mặc dù rất khó đoán định xu hướng, song nhiều kỳ vọng vẫn cho rằng thị trường sẽ sớm kết thúc đợt giảm điểm và tìm lại điểm cân bằng khi định giá đã được chiết khấu đáng kể với P/E về xấp xỉ 12 lần. Bên cạnh đó, động thái mua ròng của khối ngoại trong những phiên giảm điểm cũng là một điểm sáng tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Vậy thị trường sẽ diễn biến như thế nào sau đợt giảm mạnh và đây có phải cơ hội để nhà đầu tư “bắt đáy”? Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán BSC đã có một vài chia sẻ về vấn đề này.
Thị trường đối diện nhiều thách thức
Chuyên gia BSC cho rằng thị trường giảm mạnh trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động liên quan đến căng thẳng địa chính trị, tỷ giá trong nước leo thang và động thái hút tiền của NHNN vẫn là ẩn số.
Đặc biệt, bức tranh KQKD dù có nhiều điểm sáng, song đa phần vẫn kém tích cực. Nhà đầu tư gần như bị “vỡ mộng” trước những kỳ vọng quá cao về việc nền kinh tế đã tạo đáy và KQKD sẽ tăng trưởng tích cực kể từ quý 3. Dù vậy, thị trường đã chạy quá xa so với kỳ vọng và đang “trả lại” bằng những nhịp giảm điều chỉnh.
Một yếu tốt khác khiến thị trường giảm sâu là do đa số nhà đầu tư “đứng ngoài” khiến thanh khoản giảm sâu. Sự chán nản của nhà đầu tư dâng cao khi vòng xoáy bắt đáy – cắt lỗ lặp lại. Do đó, dù lực bán không quá mạnh, song lực cầu yếu ớt cũng phần nào kéo tụt chỉ số.
Theo ông Khoa, dòng tiền có thể chưa rút ra khỏi chứng khoán trong một sớm một chiều, nhưng rõ ràng đang chững lại rõ rệt. Đặc biệt, dòng tiền mới không được bổ sung cũng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Thực tế, nhà đầu tư cũng đang có xu hướng dịch chuyển tài sản đến những kênh an toàn khi thị trường đạt ngưỡng. Minh chứng là dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu, song lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn lập kỷ lục.
Thêm vào đó, động thái gom ròng của khối ngoại trong vài phiên gần đây cũng chưa đủ lực nâng đỡ thị trường. Bên cạnh việc khối ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường, vị chuyên gia đánh giá dòng tiền khối ngoại mua ròng không phải tiền mới mà chủ yếu là tiền trading từ các quỹ. Do đó, đây không phải yếu tố thúc đẩy mà chỉ đơn thuần mang tính chất tâm lý.
VN-Index cần rẻ hơn nữa để hấp dẫn dòng tiền
Chuyên gia BSC cho rằng dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng điều chỉnh đã thực sự kết thúc. Để kích thích dòng tiền trở lại, những rủi ro mà thị trường lo ngại trước đó cần giảm bớt.
Thứ nhất, tình hình chiến sự quốc tế có những chuyển biến tích cực và không ảnh hưởng trên diện rộng. Ông Khoa nhận diện sự kiện căng thẳng địa chính trị chủ yếu mang tính chất cục bộ và chưa có dấu hiệu ảnh hưởng sâu rộng hơn.
Thứ hai, lạm phát Mỹ hạ nhiệt, chính sách “diều hâu” của Fed dừng lại. Khi chênh lệch USD/VND thu hẹp giúp tỷ giá hạ nhiệt, SVB cũng sẽ có những chính sách bình ổn hơn.
Định giá P/E của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 12 lần
Thứ ba, quan trọng nhất là định giá cần chiết khấu thêm. Thị trường cần phải rẻ hơn nữa để kích thích dòng tiền nhà đầu tư lớn nhập cuộc. Khi những rủi ro có phần hạ nhiệt từ đó mới có thể kích thích dòng tiền trở lại và giúp thị trường thực sự tạo đáy rõ ràng.
Do đó, chuyên gia nghiêng về kịch bản thị trường điều chỉnh trước khi cân bằng trở lại và xuất hiện những tín hiệu rõ ràng hơn trong quý 4 và năm 2024.
“Nếu thị trường về 1.010-1.050 điểm như thời điểm đầu năm, tôi cho rằng đây sẽ là vùng giá để đầu tư. Dù mọi thứ chưa đạt như kỳ vọng, song các chỉ số vĩ mô đang cải thiện rõ rệt chứ không mơ hồ như đầu năm 2023”, ông Bùi Nguyên Khoa nhận định.
Nhà đầu tư có thể "bắt đáy" từng phần
Về chiến lược thời điểm này, chuyên gia cho rằng dù không khuyến khích việc bắt đáy nhưng đây đã là vùng giá có thể quan sát.
Nhìn ở góc độ cơ bản, nếu lựa chọn được cổ phiếu tốt và vùng giá phù hợp nhà đầu tư hoàn toàn có thể xuống tiền. Dù vậy, cần lưu ý chọn lọc kỹ cổ phiếu vì có nhiều mã dù điều chỉnh nhưng giá đã vượt xa giá trị thực.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý nếu chiều lên mua càng nhanh thì chiều xuống cần mua chậm. Theo đó, nhà đầu tư có thể chia ra nhiều phần tại nhiều vùng giá để giải ngân và tránh “all-in” hay sử dụng margin trong giai đoạn này.