Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, kể từ khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, một số công ty lớn của Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không thể "sống sót" nếu không mua dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Do đó, Nhật Bản không chỉ nỗ lực giữ lại cổ phần ban đầu trong hai dự án dầu khí Sakhalin, mà còn tìm mọi cách để có dầu khí từ Nga theo đường vòng.
Nhưng dù sao thì Nhật Bản cũng là đồng minh của các nước phương Tây. Do đó, Nhật Bản đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Australia và các nước xuất khẩu năng lượng lớn khác.
Chỉ có điều, gần đây, tình hình tại Australia không được “bình yên" cho lắm.
Australia giới hạn giá năng lượng
Ngày 9/12, Australia tuyên bố sẽ áp giá trần đối với khí đốt tự nhiên và than đá trong nước để kiềm chế giá điện tăng vọt.
Theo đó, Chính phủ Australia chuẩn bị đưa ra quy tắc ứng xử bắt buộc trong 12 tháng để hạn chế giá khí đốt ở mức 12 AUD/gigajoule (khoảng 190.000 VNĐ/gigajoule, 1 gigajoule tương đương với 26,8 m³ khí đốt), đồng thời áp dụng mức giá trần 125 AUD/tấn đối với than để bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình tại nước này khỏi tác động của giá năng lượng toàn cầu tăng cao.
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 11 năm nay, giá điện bán buôn ở Australia đã đạt mức cao kỷ lục, dao động từ 210 đến 257 AUD/MWh (khoảng 3,3 triệu đến 4 triệu VND/MWh).
Trước đó, các chuyên gia cũng dự đoán rằng, giá điện bán lẻ ở Australia có thể tăng 35% vào năm 2023 và tiếp tục tăng cho đến năm 2024. Để kiểm soát giá điện, Chính phủ Australia cũng không còn cách nào khác, đành phải đưa ra biện pháp nói trên.
Tuy nhiên, các công ty năng lượng cho rằng, với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Australia làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên; khi đó, sự phát triển của ngành LNG tại Australia cũng sẽ bị ảnh hưởng; cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Samantha McCulloch - Giám đốc điều hành Hiệp hội Khai thác và Sản xuất Dầu mỏ Australia - nói: “Việc này sẽ có tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư vào nguồn cung trong tương lai, mà đầu tư mới thực sự là chìa khóa để giảm hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất.”
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng Australia
Sau khi Australia tuyên bố sẽ áp giá trần đối với khí đốt tự nhiên và than đá, không chỉ các công ty năng lượng không thể ngồi yên, mà Nhật Bản cũng kêu gọi Australia suy nghĩ cho các đối tác thương mại và thận trọng trong chính sách thị trường khí đốt tự nhiên.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Australia cho biết, Australia trước đó đã đảm bảo với Nhật Bản rằng, bất kỳ sự can thiệp nào vào thị trường sẽ không ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Nhật Bản.
Madeleine King - Bộ trưởng Tài nguyên Australia ngày 14/12 cho biết, chính phủ nước này sẽ tiến hành đàm phán với ba nhà xuất khẩu LNG ở bờ biển phía đông vào ngày 15/12.
Bà King cũng tiết lộ một số thông tin về hoạt động xuất khẩu LNG, hàm ý rằng nguồn cung năng lượng của những khách hàng lớn như Nhật Bản sẽ được đảm bảo.
Bà King nói: "Khí đốt tự nhiên chắc chắn có tương lai ở Australia. Khí đốt tự nhiên của Australia rất quan trọng đối với an ninh năng lượng khu vực, và chúng tôi sẽ tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho các nước láng giềng trong khu vực."
Tuy nhiên, theo trang tin Sohu, Nhật Bản có lẽ vẫn cảm thấy hoang mang, bởi xét cho cùng, hầu hết nhu cầu năng lượng của đất nước này đều dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.
Thống kê cho thấy, Nhật Bản đã nhập khẩu tới 26,7 triệu tấn khí đốt tự nhiên từ Australia trong năm nay, và nhập khẩu 11,4574 triệu tấn than từ Australia trong tháng 11.
Trang tin Sohu nhận định, Nhật Bản đã không có khí đốt tự nhiên và than đá của Nga, giờ lại càng không thể gặp vấn đề với nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của mình là Australia, vì nếu đúng như vậy thì Nhật Bản sẽ thực sự “không còn đường lui”.