Apple, Amazon, Meta, Google... bị điểm mặt chỉ tên, đếm ngược 4 tháng trước khi đối mặt cuộc đại tu lớn nhất lịch sử

Vũ Anh | 09:42 26/04/2023

Đây là cuộc đại tu lớn nhất đối với nội dung trực tuyến nhằm tái thiết lập lại trách nhiệm của các gã khổng lồ trực tuyến.

Apple, Amazon, Meta, Google... bị điểm mặt chỉ tên, đếm ngược 4 tháng trước khi đối mặt cuộc đại tu lớn nhất lịch sử

Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DAS), được cho là có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất thế giới, sẽ buộc 19 dịch vụ truyền thông xã hội, tìm kiếm và thương mại điện tử tuân thủ các quy tắc mới nghiêm ngặt vào cuối tháng 8 này. Apple, Amazon, Meta, Google… nằm trong danh sách bị ‘chỉ mặt điểm tên’. 

Theo các chuyên gia, đạo luật là cuộc đại tu lớn nhất của giới chức phương Tây đối với nội dung trực tuyến, với mục đích tái thiết lập lại trách nhiệm của các gã khổng lồ trực tuyến kể từ buổi bình minh của Internet. 

Với những bộ luật trước đây, chẳng hạn như Mục 230, các công ty có thể thoát khỏi trách nhiệm pháp lý đối với một số nội dung, miễn là họ nỗ lực phản hồi lại những nội dung nhạy cảm bị gắn cờ. Tuy nhiên, theo luật mới của EU, các công ty này cần tiến hành đánh giá thường xuyên để xác định rõ tất cả những rủi ro có thể xảy ra cho từng cá nhân người dùng, đồng thời chứng minh cho các cơ quan quản lý thấy rằng họ đang nỗ lực giải quyết các nút thắt. 

Các công ty có dịch vụ truyền thông xã hội, tìm kiếm và thương mại điện tử bị liệt kê mới đây từng tuyên bố có hơn 45 triệu người dùng hoạt động ở EU mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc họ tiếp cận được ít nhất 10% dân số của khối. Các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn sẽ được gia hạn áp dụng vào năm tới.

Nếu không tuân thủ, công ty vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ của EU cho biết: “Quy mô lớn đi kèm với trách nhiệm lớn. Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm sẽ không thể hoạt động như thể chúng quá lớn để bị vô can”. 

Theo ông Breton, EU đang đề xuất cho phép các công ty công nghệ được kiểm toán trước khi các quy tắc mới có hiệu lực. Động thái trên nhằm mục đích giúp những tập đoàn này có cơ hội khắc phục mọi vi phạm tiềm ẩn để giảm thiểu nguy cơ bị trừng phạt. Ông cho biết ủy ban dự kiến ​​sẽ kiểm toán Twitter vào cuối tháng 6. Phía TikTok cũng bày tỏ sự quan tâm nhất định. 

im-306831.jpg
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DAS), được cho là có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất thế giới, sẽ buộc 19 dịch vụ truyền thông xã hội, tìm kiếm và thương mại điện tử tuân thủ các quy tắc mới nghiêm ngặt.

Chia sẻ với WSJ, Apple cho biết đã cam kết tuân thủ quy tắc DSA cho các cửa hàng ứng dụng. Amazon, Google và Meta cũng đang từng bước đáp ứng các yêu cầu, bao gồm cả việc mở rộng các công cụ minh bạch và hệ thống báo cáo. 

Bằng một cách nào đó, DSA đang được coi như một khuôn mẫu. Vương quốc Anh cũng đang hoàn tất cuộc tranh luận tại quốc hội về một đạo luật có tên An toàn Trực tuyến đặc biệt tập trung bảo vệ những người dùng trẻ.

Theo DSA, các dịch vụ truyền thông xã hội, thị trường trực tuyến và công cụ tìm kiếm lớn phải duy trì các hệ thống nội dung an toàn, sẵn sàng gỡ bỏ các nội dung vi phạm hoặc bị giới chức châu Âu coi là bất hợp pháp. Chúng cũng phải đồng thời cung cấp cho người dùng các công cụ khiếu nại và báo cáo các thuật toán phạm vi với cơ quan quản lý.

Các quan chức EU cho biết đạo luật mới tương đối rõ ràng, song cũng thừa nhận khó có thể đánh giá mức độ tuân thủ của các công ty.

Kể từ năm ngoái, các công ty công nghệ đã nỗ lực sửa đổi và tuân thủ luật mới. Thách thức nhất vẫn là thiết lập hệ thống cung cấp dữ liệu về việc gỡ bỏ nội dung, đồng thời duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp.

Facebook và Instagram của Meta nằm trong số nhiều tập đoàn lớn phải tuân thủ quy định. Tuần trước, công ty này đã phải sa thải 3/4 nhóm kỹ thuật vốn có nhiệm vụ kiểm tra tính xác thực và giải quyết khiếu nại về thông tin sai lệch. ¼ còn lại sẽ hợp nhất thành một nhóm lớn hơn và thực hiện các công việc liên quan để giải quyết thông tin thiếu chính xác. 

b7c48f4b483b593b645fdfddac8adbf7.jpg
Facebook và Instagram của Meta nằm trong số nhiều tập đoàn lớn phải tuân thủ quy định.

“Meta cần kiểm tra cẩn thận hệ thống của mình và khắc phục nó khi cần thiết”, ông Breton nói. 

Trước đó, việc Thủ tướng Rishi Sunak kiên định củng cố Dự luật An toàn Trực tuyến thông qua các biện pháp trừng phạt hình sự đối với loạt ông chủ mạng xã hội đã khiến Meta phải “rùng mình”. Dự luật đưa ra nhằm bảo vệ người dùng dưới 18 tuổi khỏi những nội dung có hại, và vì vậy, đẩy Mark Zuckerberg đối mặt với 2 năm tù giam nếu vi phạm.

“Mark Zuckerberg sẽ không coi trọng quyền riêng tư người dùng, trừ khi nhận ra những hậu quả nghiêm trọng. Một khoản tiền phạt từ FTC sẽ không ăn thua, vì vậy theo dự luật, anh ta sẽ phải ngồi tù”, Thượng Nghị sĩ Ron Wyden, một người ủng hộ việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, nói.

Danh sách các tội danh được thêm vào dự luật bao gồm khiêu dâm, gian lận, buôn bán ma túy hoặc vũ khí bất hợp pháp, khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho hành vi tự sát… Theo Dự luật An toàn Trực tuyến, bất kỳ tài liệu nào chứa các hành vi vi phạm nói trên đều bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội. Đơn vị sở hữu những nền tảng này cũng phải nhanh chóng ngăn chặn người dùng xem các nội dung đó.

“Đã đến lúc tăng cường bảo vệ quyền riêng tư, ngăn quảng cáo nhắm đến mục tiêu là trẻ em và yêu cầu các công ty công nghệ ngừng thu thập dữ liệu bất hợp pháp từ các đối tượng này”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Trước đó, hồi năm 2019, một dự luật về quyền riêng tư cũng đã được đề xuất. Theo đó, các Giám đốc điều hành công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng. CEO Mark Zuckerberg có thể phải chịu hình phạt nặng nhất là ngồi tù 20 năm, theo các điều khoản của bộ luật quyền riêng tư đó.

Theo: WSJ, Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Apple, Amazon, Meta, Google... bị điểm mặt chỉ tên, đếm ngược 4 tháng trước khi đối mặt cuộc đại tu lớn nhất lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO