Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, bài viết của bà Nguyễn Thị Thu cho biết: Theo thống kê của WHO, hiện có khoảng 40 nước trên thế giới đã thực hiện thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường do loại đồ uống này chứa đường, hương liệu, chất bảo quản, cacbonat… có tác hại đối với sức khỏe con người (nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh về đường tiêu hóa, răng miệng, bệnh gút…).
Cụ thể, tại Đan Mạch, theo Richelsen et al. (2003), số lượng người béo phì ở quốc gia này đã tăng 30 - 40 lần trong 50 năm qua, kéo theo đó là các bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, một số loại ung thư… Từ việc bệnh béo phì gia tăng một cách báo động và những tác hại của béo phì đến sức khỏe con người, cũng như những chi phí của cá nhân, xã hội phải gánh chịu, Chính phủ Đan Mạch đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm ngăn chặn béo phì và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Năm 2008, Chính phủ Đan Mạch đã thiết lập một ủy ban3 nhằm thực hiện các chính sách ngăn ngừa bệnh béo phì và các bệnh liên quan đến lối sống. Ngoài ra, Chính phủ Đan Mạch áp dụng thuế TTĐB đối với nước uống có ga có đường (softdrinks) vào tháng 01/2013.
Ở Mexico, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2012, tỷ lệ béo phì lên tới 32,8%, cao hơn so với 31,8% của Hoa Kỳ. Chính phủ Mexico cũng cho rằng, những thiệt hại tiềm năng về kinh tế trong ngành sản xuất các sản phẩm ăn vặt và nước giải khát trong hiện tại không đáng kể so với những thiệt hại trong thời gian 10 năm tới nếu tỷ lệ béo phì vẫn tiếp tục ở mức hiện tại. Gánh nặng chăm sóc sức khỏe do bệnh tiểu đường và bệnh tim ở Mexico rất lớn và ngày càng tăng (9,2% trẻ em ở Mexico mắc bệnh tiểu đường, 2013). Do vậy, Chính phủ Mêxicô quyết định chống lại bệnh béo phì bằng cách áp thuế đối với nước uống có đường và đồ ăn vặt các loại vào năm 2012.
Đối với Anh, thuế nước ngọt được ban hành và có hiệu lực từ tháng 4/2018, nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích thay đổi công thức sản xuất nước giải khát để giảm bệnh béo phì ở trẻ thông qua giảm lượng đường dung nạp vào cơ thể do 1/3 trẻ em ở Anh đã thuộc nhóm béo phì. Việc tiêu thụ lượng đường trong nước ngọt gấp 3 lần mức cho phép, làm cho trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực khi các sản phẩm nước ngọt, gây ra các bệnh sâu răng. Béo phì ở trẻ em tăng nhanh và trở thành vấn đề quốc gia gây tốn kém chi phí và nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch tiểu đường tuyp 2…
Nam Phi có mức độ béo phì cao nhất ở châu Phi cận Sahara. Nam Phi đã công bố thuế đối với đồ uống có đường vào năm 2016 và có hiệu lực vào ngày 01/4/2018. . Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ béo phì xuống 10% vào năm 2020.
Chính phủ Malaysia cũng cho rằng nước giải khát có liên quan đến bệnh béo phì và bệnh tiểu đường cũng như nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Chất Sodium benzoate là một chất bảo quản được sử dụng trong nước giải khát làm tăng bệnh hen suyễn. Cola với chất acid phosphoric cao là một trong những chất gây sâu răng, loãng xương, sỏi thận và các loại bệnh liên quan đến thận. Chất BPA hoặc Bisphenol-A được sử dụng trong lớp lót của lon nước ngọt có thể gây ra những vấn đề về khả năng sinh sản. Sự gia tăng của bệnh tiểu đường ở Malaysia ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây mặc dù đã có nhiều chiến dịch nhằm phòng chống bệnh tiểu đường nhưng đều không thành công.
Năm 2005 có 15% triệu tổng dân số của Malaysia, tương đương 4,2 triệu dân mắc bệnh tiểu đường, trong khi đó, tỷ lệ này năm 1996 là 8,3% và năm 1986 là 6,3%). Một trong những biện pháp Chính phủ Malaysia sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng đó là áp dụng thuế TTĐB đối với nước uống có đường, bên cạnh các giải pháp như giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích tập thể dục. Vì vậy, Malaysia đã áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường vào ngày 01/4/20197.
Tại Brunei, trong bối cảnh Chính phủ các nước châu Á thể hiện sự sẵn lòng đối đầu với bệnh béo phì theo nhiều cách khác nhau8, Brunei đã chọn áp dụng thuế đối với đồ uống có đường vào tháng 4/2017.
Như vậy, tại hầu hết các nước, đồ uống có đường chịu thuế TTĐB chủ yếu là nước ngọt có ga, nước ngọt không có ga, nước thể thao, nước tăng lực, trà đóng chai, nước hoa quả đóng chai, đồ uống có đường khác. Một số nước đánh thuế cả đối với đồ uống hòa tan dưới dạng bột như trà, cà phê… Một số sản phẩm được hầu hết các nước loại trừ khỏi danh sách đánh thuế TTĐB như nước khoáng, các loại nước hoa quả, nước ép tươi…
Một số nước quy định ngưỡng chịu thuế theo lượng đường trong đồ uống. Anh, Estonia và Malaysia đánh thuế với đồ uống có lượng đường trên 5g/100ml; Brunei và Peru trên 6g/100ml; Pháp trên 11g/100ml, Nam Phi trên 4g/100ml, Chile là 6,25 g/100ml.