Áp lực thực sự khi bán hàng trên TikTok Shop là gì?

Thùy Trang - Lâm Tùng | 12:45 19/03/2023

Áp lực thực sự khi bán hàng trên TikTok Shop không đến từ sản phẩm và khách hàng, mà đến từ việc sáng tạo nội dung, để được sàn TMĐT ưu tiên hiển thị theo thuật toán.

Áp lực thực sự khi bán hàng trên TikTok Shop là gì?
Việc phải liên tục tạo ra nội dung thu hút người xem là áp lực lớn của các nhà bán hàng trên TikTok Shop

Nội dung chính:

  • - Nhiều nhà bán hàng trên TikTok Shop liên tục phải tìm kiếm nhân sự chuyên sáng tạo nội dung để tạo tương tác cho kênh.
  • - Do đặc thù của TikTok và TikTok Shop, người bán hàng phải kiêm luôn vai trò nhà sáng tạo nội dung - việc vốn không phải là thế mạnh của nhiều người.

Gần 3 tháng nay, anh Nguyễn Huy Hoàng liên tục tìm kiếm nhân viên sáng tạo nội dung và nhân viên livestream (phát trực tuyến) trên nền tảng TikTok. Yêu cầu của anh Hoàng là nhân viên có khả năng sáng tạo tốt, nắm bắt được sở thích người dùng, tạo ra nhiều nội dung thú vị và biết cách tương tác, lôi cuốn người xem khi phát trực tiếp. Để duy trì tính ổn định của trang, anh Hoàng yêu cầu nhân viên sáng tạo mỗi ngày một video. Người này sẵn sàng chi trả mức lương 8-10 triệu đồng cùng với hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra (hoa hồng thường ở mức 10-15% lợi nhuận). Dù vậy gần 3 tháng nay, anh Hoàng chưa thể tìm được người phù hợp. Doanh thu vì thế cũng bị giảm sút. 

Anh Hoàng buộc phải tính đến phương án hợp tác với những nhà sáng tạo chuyên nghiệptrên TikTok để cùng quảng bá sản phẩm và trả hoa hồng cho mỗi đơn hàng được bán ra. 

Không riêng anh Hoàng, sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok để bán hàng là điều khiến nhiều “tiểu thương” TikTok Shop đau đầu. Ngoài việc tìm kiếm nguồn hàng, chốt đơn, vận chuyển, người bán giờ đây phải tính toán nhiều phương án để tạo ra những video, clip chất lượng nhằm tạo tương tác cho gian hàng - điều không phải thế mạnh của nhiều người.

Đầu năm nay, chị Thu Thủy lập một gian hàng mỹ phẩm trên TikTok Shop sau khi đóng hơn 20 triệu đồng để học khóa xây dựng kênh với lời cam kết “100% ra đơn thành công, chi phí thấp”.

Chị Thủy đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 30 triệu đồng trong 3 tháng đầu để bù lại học phí cùng số vốn bỏ ra. Do đó, thời gian qua, chị Thủy đã tập trung đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng nội dung bán hàng. Ngoài chuẩn bị kịch bản, chị phải học quay và chỉnh sửa video để tạo ra nội dung chất lượng, nhưng mỗi video chỉ đạt 300-500 lượt xem. 

Ngoài ra, mỗi tuần chị Thủy livestream 3 buổi dù không có người xem, với hy vọng sự đều đặn này sẽ khiến thuật toán của TikTok đề xuất kênh. Tuy nhiên, kết quả không khả quan như chị Thủy tính toán. Đến nay, lượng đơn hàng chỉ vỏn vẹn ở con số 6, tổng doanh số gần 2 triệu đồng, tức chưa đạt 10% mục tiêu đề ra. 

Áp lực sáng tạo nội dung

Khác với những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki, TikTok Shop theo đuổi mô hình Shoppertainment, là sự kết hợp của Shopping (mua sắm) và Entertainment (giải trí), thay vì mua sắm đơn thuần hay xem quảng cáo và mua hàng. 

Hiện TikTok Shop chưa có thuật toán điều tiết lượng người xem/mua hàng theo điểm uy tín, điểm sản phẩm… như các sàn thương mại điện tử khác. Thay vào đó, nền tảng này sẽ phân phối nội dung dựa trên nhu cầu và sở thích của người dùng. Nhu cầu của những người lướt TikTok thông thường là giải trí, không phải là tìm kiếm hàng hóa. Do đó, những gian hàng có nội dung chất lượng sẽ được ưu tiên phân phối đến nhiều người xem hơn.

Thậm chí khi các sàn TMĐT khác, người bán sẵn sàng chi nhiều tiền cho quảng cáo để hút người dùng thì ở TikTok Shop, việc thu hút người dùng giờ đây trở thành một trong những công việc của họ. Họ phải tự tìm cách để gian hàng của mình được tăng hiển thị, có tương tác, từ đó phát sinh đơn hàng. 

Nguyễn Thu Hà (22 tuổi), sinh viên đại học tại Hà Nội, sở hữu kênh TikTok về đồ uống hơn 60.000 lượt theo dõi cho biết để tạo ra những video tốt, người dùng TikTok hay nhà bán hàng phải tạo được nội dung tốt.  

“Họ cần chuẩn bị tài nguyên và kiến thức, kỹ thuật, những thứ không phải ai cũng có sẵn. Họ cũng phải đầu tư vào việc tìm hiểu thị trường và đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, học cách sử dụng các công cụ và tính năng của TikTok để tạo ra video thú vị. Thậm chí cũng có người bất chấp hình ảnh cá nhân để tạo ra nội dung rác, nhảm nhí để có người xem video”, Thu Hà nói. 

Những nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp trên TikTok phải trải qua một quá trình học hỏi không ngừng trước khi có được thành quả.

Để đạt được lượng theo dõi hiện tại, Thu Hà cho biết đã phải tạo ra hàng chục, thậm chí hàng trăm video có trên 50.000 - 100.000 lượt xem. Mỗi video ngắn khoảng 1-3 phút nhưng quá trình quay dựng rất kỳ công, phải trang trí, canh góc quay chuẩn, cắt ghép, lồng nhạc. Thông thường Thu Hà mất hơn 1 tiếng để quay và xử lý một video dài 1-3 phút. 

Một khảo sát gần nhất của TikTok cũng cho thấy, một nửa người dùng thừa nhận họ đã khám phá sản phẩm hoặc thương hiệu mới khi đang sử dụng nền tảng, và 89% đã mua hàng ngoài kế hoạch sau khi xem video trên TikTok. Tuy nhiên, quyết định mua dựa trên cảm xúc khi xem video, livestream mà không xuất phát từ nhu cầu cũng khiến người bán khó dự đoán cảm xúc của khách hàng. 

Dù vậy, trong giai đoạn TikTok Shop vẫn đang “đốt tiền” cho các chương trình ưu đãi, những kết quả đạt được của TikTok Shop vẫn được xem là ấn tượng. Hãng truyền thông LatePost (Trung Quốc) đưa tin, nửa đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa (GMV) của TikTok Shop cho hoạt động thương mại điện tử vượt 1 tỷ USD. Con số này khá nhỏ bé nếu so với giá trị 36,4 tỷ USD của Shopee trong cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu Shopee mất hơn 1 năm và Lazada cần đến 3 năm để GMV cán mốc 1 tỷ USD thì TikTok Shop đã đạt được thành tựu trên trong vòng chưa đầy 1 năm ra mắt.

Đến tháng 11/2022, tổng doanh thu trên TikTok Shop đạt 1.686 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra từ 32.000 nhà bán hàng, theo thống kê của Metric. Mức doanh thu này tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki, những sàn thương mại điện tử đã có chục năm hoạt động ở Việt Nam. Metric cũng chỉ ra rằng trung bình mỗi ngày Tiktok Shop đạt mức doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. 




(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Áp lực thực sự khi bán hàng trên TikTok Shop là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO