Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã về nước: Doanh nhân bỏ ra 6,1 triệu Euro mua lại sở hữu 2.000 cổ vật, lập hẳn một bảo tàng sở hữu bảo vật

Ngọc Điệp | 11:00 18/11/2023

Ông Hồng còn sở hữu một khối lượng cổ vật đáng nể, (hơn 2.000 hiện vật), được phân loại thành những bộ sưu tập đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ Châu Âu, tranh tượng…

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã về nước: Doanh nhân bỏ ra 6,1 triệu Euro mua lại sở hữu 2.000 cổ vật, lập hẳn một bảo tàng sở hữu bảo vật

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều ngày 16/11/2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã diễn ra buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hóa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến Ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Trước đó, tại thời điểm Đoàn công tác liên ngành làm việc tại Pháp, tháng 11/2022, chỉ có ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tham gia với mục đích mua để bổ sung sưu tập cá nhân, dự kiến trưng bày tại bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh.

Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận Về việc đàm phán mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho nhà Nước với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, với cam kết:  “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản văn hoá, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam. Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê Luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế).”

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Thế Hồng (SN 1961) là một doanh nhân đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh. Ông Hồng đã bỏ ra 6,1 triệu Euro để mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ nhà đấu giá Millon (Pháp). 

Ông Nam Hồng (bên phải) và ông Alexandre Millon - đại diện sàn đấu giá Millon tại lễ ký kết.

Ông Hồng có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình, cùng Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (hoạt động từ tháng 5/2022) với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.

Theo Báo Bắc Ninh, ông Hồng sở hữu một khối lượng cổ vật đáng nể, (hơn 2.000 hiện vật), được phân loại thành những bộ sưu tập đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ Châu Âu, tranh tượng…

Trước khi gây chú ý với ấn vàng Hoàng đế chi bảo, cách đây không lâu, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng còn có tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.200 - 2.300 năm, thuộc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được công nhận bảo vật quốc gia cùng 26 quý vật khác trên khắp cả nước hôm 30/1/2023.

Bảo vật quốc gia này được Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nhận chuyển nhượng lại từ nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Trần Quốc Bình ngày 30/12/2021. Hiện tại, chiếc thạp được trưng bày trang trọng trên tầng 5 tòa nhà của Công ty TNHH Nam Hồng (tại TP.Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong hồ sơ bảo vật quốc gia, công ty này cho biết đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá đến với khách tham quan.

Ông Hồng từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên và sở hữu 50% vốn điều lệ của Công ty Nam Hồng - (TNHH), một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản thành lập từ năm 1998.

Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Nam Hồng đã chuyển sang bà Nguyễn Thị Bích (SN 1964) đồng thời ông Hồng cũng không còn sở hữu cổ phần của Công ty Nam Hồng. Cơ cấu cổ đông hiện tại của Nam Hồng gồm bà Nguyễn Thị Bích nắm 50%, ông Nguyễn Thế Hải nắm 20%, Bà Nguyễn Thị Hằng nắm 10% và ông Nguyễn Thế Nam nắm 20%. 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Nam Hồng đầu tư dự án Khu trung tâm thể thao, trường học, các công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Dự án Vườn Sen) có quy mô 19,6 ha, tổng vốn đầu tư 507,7 tỷ đồng.

Năm 2021, DN này từng bị xử phạt 70 triệu đồng vì không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định tại dự án này. Trước đó, Công ty Nam Hồng cũng bị UBND tỉnh xử phạt hành chính 250 triệu đồng do đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CenLand) ở dự án khi chưa ban hành văn bản gửi Sở Xây dựng để ra thông báo nhà ở đủ điều kiện được huy động vốn theo quy định.

Một góc dự án Vườn Sen Bắc Ninh

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Hồng còn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam Rababeka hoạt động từ năm 2008 tại tỉnh Bắc Ninh. 

Ông Hồng còn từng là đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn IGS Việt Nam - được giới thiệu là doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài. Doanh nghiệp hiện tại đã ngừng hoạt động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã về nước: Doanh nhân bỏ ra 6,1 triệu Euro mua lại sở hữu 2.000 cổ vật, lập hẳn một bảo tàng sở hữu bảo vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO