"An ninh kim loại" bấp bênh: Trung Quốc bắt tay hơn 10 quốc gia để thỏa mãn cơn khát nguyên liệu quý, hé lộ tầm nhìn vượt thời đại

Tất Đạt | 13:58 30/10/2023

Do những hạn chế của phương Tây, Trung Quốc buộc phải tìm các đối tác khác trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là kim loại để sản xuất và phát triển công nghệ tương lai.

"An ninh kim loại" bấp bênh: Trung Quốc bắt tay hơn 10 quốc gia để thỏa mãn cơn khát nguyên liệu quý, hé lộ tầm nhìn vượt thời đại

Tăng cường hợp tác

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu về năng lực công nghệ, việc kiểm soát các khoáng sản quan trọng cho sản xuất và phát triển công nghệ trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Theo SCMP, vì lí do này, Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức để xây dựng quan hệ đối tác với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai con đường, qua đó đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, bền vững cho những nguyên liệu thô thiết yếu này.

Theo danh sách dự án và tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được các thỏa thuận hợp tác khoáng sản với hơn 10 quốc gia ở châu Á, Nam Mỹ và châu Phi trong Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường diễn ra mới đây.

Thỏa thuận liên quan đến việc tiếp tục đầu tư vào dự án quặng sắt Simandou ở Guinea – địa điểm được cho là có trữ lượng quặng sắt chất lượng cao chưa được khai thác lớn nhất thế giới với trữ lượng ước tính khoảng 2,4 tỷ tấn. Thỏa thuận này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quặng từ Australia và Brazil.

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các đối tác châu Á, đặc biệt tại những nước giàu tài nguyên như Indonesia và Kazakhstan, để đáp ứng nhu cầu khoáng sản. Cho tới nay, Trung Quốc đang đầu tư vào dự án chế biến niken coban hydroxit, dây chuyền sản xuất kim loại niken và các cơ sở phụ trợ với sản lượng hàng năm là 126.000 tấn ở Indonesia và một dự án khai thác mỏ vonfram ở Kazakhstan.

230921004748-01-gallium-china-053022-file-restricted.jpg

Theo Bộ Đầu tư Indonesia, năm ngoái, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào Indonesia đạt mức kỷ lục 8,23 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia.

Các dự án khác bao gồm giai đoạn hai của mỏ đồng và coban Kamoa ở Cộng hòa Dân chủ Congo, dự án mỏ kali Kururi ở Eritrea và các dự án lithium 3Q và Cauchari-olaroz, cả hai đều ở Argentina.

Nhu cầu cao đối với khoáng sản

Hợp tác về khoáng sản đã được đề cập trong một số cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo quốc gia trong diễn đàn Vành đai Con đường, bao gồm cả các cuộc họp được tổ chức với Chile, Mông Cổ và Serbia. Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng và nguồn cung cấp khoáng sản, đồng thời các quan chức tuyên bố 2/3 nguồn cung cấp khoáng sản chiến lược của đất nước này phụ thuộc nhiều vào các nguồn bên ngoài. Nhu cầu này càng trở nên rõ ràng hơn khi các nước phương Tây phá vỡ chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với những mặt hàng thiết yếu này.

Sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối ứng đối với gali và gecmani bắt đầu từ tháng 8 - hai nguyên tố công nghệ quan trọng mà Trung Quốc có nguồn cung gần như độc quyền.

Cả hai nước đều quan tâm đến việc đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản cho tiến bộ công nghiệp trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và xe điện. Các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường - chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu đặc biệt của Trung Quốc – tỏ ra là những yếu tố quan trọng trong mục tiêu dài hạn của Trung Quốc bởi những nước này có thể đảm bảo nguồn cung lẫn nguồn cầu cao về mặt khoáng sản.

Theo một bài viết hồi năm 2017 được đăng tải trên China Mining News, một ấn phẩm của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, những quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường đang nắm giữ 200 loại khoáng sản với giá trị xấp xỉ 250 nghìn tỷ USD. Tới nay, khi tốc độ phát triển khoa học và công nghệ ngày càng tăng, nhu cầu với tất cả các loại khoáng sản cũng tăng nhanh không kém, khiến Trung Quốc phải liên tục củng cố nguồn cung thông qua hợp tác với các đối tác trong khu vực.

Khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai Con đường, tầm quan trọng của khoáng sản đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới lần đầu tiên cách đây 10 năm, trong các chuyến thăm Kazakhstan và Indonesia nhằm tái hiện Con đường Tơ lụa cổ xưa và các tuyến hàng hải nối châu Á, châu Phi và châu Âu.

“Một số quốc gia trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa có các nguồn tài nguyên mà Trung Quốc rất cần, như đồng, cadmium và niken; các nước Trung Á có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú có khả năng thăm dò, phát triển và khai thác tương đối yếu”, hãng tin Tân Hoa Xã viết vào năm 2015. “Do đó, hợp tác trong lĩnh vực này có tiềm năng rất lớn.”

Tham khảo SCMP


(0) Bình luận
"An ninh kim loại" bấp bênh: Trung Quốc bắt tay hơn 10 quốc gia để thỏa mãn cơn khát nguyên liệu quý, hé lộ tầm nhìn vượt thời đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO