Ấn Độ và nghịch lý nhân tài đông đảo nhưng lại có cả một thế hệ thất nghiệp vì những tấm bằng ‘vô dụng’

Băng Băng | 10:25 18/04/2023

Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để thành nước đông dân nhất thế giới. Thế nhưng dù sản sinh ra những nhân tài như CEO Sundar Pichai (Google) hay Satya Nadella (Microsof) thì nền giáo dục nơi đây lại bị đánh giá là kém hiệu quả.

Ấn Độ và nghịch lý nhân tài đông đảo nhưng lại có cả một thế hệ thất nghiệp vì những tấm bằng ‘vô dụng’

Ấn Độ có thể nói là một quốc gia kỳ lạ. Nền kinh tế này có mảng dược phẩm thuộc hàng đứng đầu thế giới khi từng đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. Thế nhưng mảng y tế tại đây thì lại khá kém khiến người dân thường dùng các nghi thức cúng bái hay thuốc dân gian để chữa bệnh.

Tương tự, Ấn Độ là một nước đông nhân tài với vô số những CEO của các tập đoàn lớn hiện nay như Alphabet (Google- Sundar Pichai), Microsoft (Satya Nadela), Adobe (Shantanu Narayen)... Tuy nhiên nền giáo dục tại đây lại bị đánh giá là không hiệu quả.

Theo hãng tin Bloomberg, ngành giáo dục Ấn Độ với tổng trị giá 117 tỷ USD đang bùng nổ mạnh mẽ khi kinh tế đi lên với vô số những trường đại học mới mọc lên san sát. Thế nhưng hàng nghìn bạn trẻ Ấn Độ với tấm bằng cử nhân trên tay lại ra trường mà chẳng có lấy nổi một kỹ năng chuyên ngành nào, qua đó tạo nên cả một thế hệ cử nhân thất nghiệp.

Ấn Độ ngập tràn những biển quảng cáo đại học, trung tâm giáo dục

Thậm chí vì quá lo lắng cho tương lai mà nhiều bạn trẻ Ấn Độ còn trả tiền để học thêm văn bằng 2-3 nhằm gia tăng cơ hội xin việc làm. Vậy là vô số thanh thiếu niên Ấn Độ chui vào những lớp đại học bên trong các tòa chung cư nhỏ, hoặc thậm chí tại các địa điểm quầy hàng ngoài chợ để đi học. Trên các tuyến đường cao tốc Ấn Độ cũng ngập tràn nhiều băng rôn quảng cáo về những học viện, trường đại học hứa hẹn xin việc làm đầu ra cho sinh viên.

Hãng tin Bloomberg đánh giá Ấn Độ quả là kỳ lạ khi một bên sản sinh ra những nhân tài như CEO Sundar Pichai (Google) và Satya Nadella (Microsof) nhưng bên còn lại là hàng nghìn những trường học tư thục có địa điểm giảng dạy không chính quy, giáo viên ít kinh nghiệm, chương trình giảng dạy lỗi thời và hầu như không có cơ hội việc làm khi ra trường.

Mặc dù trên toàn cầu, ngày càng nhiều sinh viên cân nhắc lợi ích của việc tốn khá nhiều tiền cho một tấm bằng, đồng thời các chương trình giáo dục cũng gây ra nhiều tranh cãi nhưng Bloomberg cho rằng chẳng ở đâu lại phức tạp được như tại Ấn Độ.

Học để...dễ lấy vợ

Mới đây, Ấn Độ đã chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hãng tin Bloomberg cho biết chính phủ nước này cũng đang tập trung phát triển tầng lớp lao động trẻ để bắt kịp được đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, báo cáo của Wheebox cho thấy khoảng một nửa cử nhân của nước này sẽ thất nghiệp trong tương lai vì những vấn đề bất cập trong ngành giáo dục.

Hiện rất nhiều doanh nghiệp ở Ấn Độ đang than phiền về chất lượng không ổn định của các sinh viên mới ra trường tại đây. Chính điều này đã trực tiếp khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ thường ở mức cao hơn 7% dù nền kinh tế lớn này tăng trưởng tốt.

Thậm chí, chất lượng lao động cũng là một rào cản để Ấn Độ thu hút đầu tư nước ngoài hay những nhà máy muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi đang phải đổi mặt thách thức khó tuyển dụng lao động có tay nghề trên thị trường”, giám đốc nhân lực Yeshwinder Patial của MG Motor ngán ngẩm.

Anh Tanmay Mandal

Theo các cuộc phỏng vấn của Bloomberg tại Ấn Độ, hàng triệu bạn trẻ nước này đã đổ xô đi học đại học vì mong muốn không chỉ thăng tiến trong sự nghiệp mà còn muốn đổi đời, gia tăng địa vị xã hội, dễ lấy vợ hơn.

Vậy là bất chấp học phí chẳng hề rẻ, những thanh thiếu niên nông thôn, nhà nghèo vẫn cố gắng kiếm lấy cái bằng để rồi thất nghiệp.

Một ví dụ là anh Tanmay Mandal sống tại Bhopal đã trả 4.000 USD học phí đại học ngành kỹ sư dân dụng. Anh Mandal bị môi giới thuyết phục rằng bằng cử nhân là tấm vé xin việc cũng như nâng tầm vị thế trong xã hội dù thu nhập của gia đình anh chỉ vào khoảng 420 USD/tháng.

Hậu quả là anh Mandal được đào tạo bởi những giáo viên thiếu kinh nghiệm nhưng chẳng còn cách nào vì đã nộp học phí. Đến lúc ra trường, bản thân anh chẳng trả lời nổi những câu hỏi kỹ thuật của người tuyển dụng và đã thất nghiệp trong 3 năm qua.

“Tôi ước mình đã đăng ký học ở một trường tốt hơn. Rất nhiều bạn học của tôi cũng chẳng tìm được việc làm”, anh Mandal than vãn.

Không chịu ngồi yên chờ chết, anh Mandal tiếp tục đăng ký lớp học thạc sĩ và những trung tâm đào tạo khác với kỳ vọng đống bằng của mình sẽ làm gia tăng vị thế cá nhân trong xã hội cũng như dễ xin được việc hơn.

Có cầu ắt có cung, những trường hợp như của anh Mandal khiến Bhopal tràn ngập các trung tâm đào tạo, lớp dạy nghề hay những trường đại học không chính quy nhằm đáp ứng các cử nhân thất nghiệp của Ấn Độ.

Sự bùng nổ này dẫn đến cả một hệ thống giáo dục phi hiệu quả tại Ấn Độ, chỉ khiến sinh viên, cử nhân tốn thêm tiền mà chẳng đào tạo được mấy những lao động có tay nghề cao.

Giáo trình lạc hậu

Năm 2019, tòa án tối cao Ấn Độ đã phạt trường đại học y dược RKDF tại Bhopal vì vi phạm các quy định trong ngành giáo dục. Đây không phải trường hợp cá biệt mà theo Bloomberg là tình trạng xuống cấp của toàn ngành tại Bhopal. Nhiều sinh viên phỏng vấn với Bloomberg cho biết họ có thể dễ dàng trốn học và lấy bằng cử nhân mà chẳng cần lên lớp, miễn là đã đóng tiền.

Báo cáo của hãng SHL cho thấy chỉ 3,8% số cử nhân ngành kỹ sư tại Ấn Độ là có đủ trình độ để ứng tuyển vào những công việc liên quan đến phần mềm tại các startup.

“Nhận thức chung của toàn ngành công nghệ thông tin là những cử nhân trẻ đều cần được đào tạo lại”, Cựu giám đốc tài chính Mohandas Pai của Infosys, đồng thời là nhà sáng lập Aarin Capital đánh giá.

Biển hiệu trường đại học RDKF

Thậm chí trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng đến công nghệ trí thông minh nhân tạo, xe điện hay những kỹ thuật mới và muốn tuyển dụng nhân lực có trình độ trong ngành, nhưng các trường đại học ở Ấn Độ vẫn giảng dạy theo những giáo trình cũ, ví dụ như lý thuyết cơ bản về động cơ đốt trong.

“Sự chênh lệch giữa những gì trường học giảng dạy và nhu cầu của ngành công nghiệp là rất lớn”, giám đốc nhân sự Patial của MG Motor nhận định.

Bất ổn

Số liệu của India Brand Equity Foundation cho thấy ngành giáo dục Ấn Độ được dự đoán sẽ đạt 225 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên mức chi tiêu công của chính phủ cho giáo dục lại giảm tốc xuống chỉ còn 2,9% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 6% đề ra mới đây.

“Khi hàng triệu lao động trẻ thất nghiệp mỗi năm thì sự ổn định xã hội sẽ bị đe dọa”, Cựu chuyên gia Anil Sadgopal của Hội đồng tư vấn giáo dục (CABE) cảnh báo.

Đồng quan điểm, Ngân hàng thế giới World Bank cho biết tình trạng 1/3 giới trẻ Ấn Độ không có việc làm, cũng không đi học hay được đào tạo gì sẽ là quả bom nổ chậm cho đất nước này.

“Nếu tôi được đào tạo tử tế thì tình hình giờ đây đã khác. Hiện tôi cảm giác mình đang lãng phí thời gian. Tôi nhận được tấm bằng cử nhân nhưng nó chỉ là tờ giấy vô dụng”, anh Pankaj Tiwari, 28 tuổi, đã trả 100.000 Rupee để lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin dù gia đình có thu nhập chỉ 400.000 Rupee/năm, ngậm ngùi nói.

Trường đại học đã cam kết tổ chức ngày hội việc làm cho những cử nhân tốt nghiệp, thế nhưng chẳng công ty nào xuất hiện. Anh Tiwari vẫn thất nghiệp trong suốt 4 năm qua kể từ khi cầm tấm bằng.

*Nguồn: Bloomberg


(0) Bình luận
Ấn Độ và nghịch lý nhân tài đông đảo nhưng lại có cả một thế hệ thất nghiệp vì những tấm bằng ‘vô dụng’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO