Alibaba chi hàng triệu USD phát triển thương mại điện tử bên ngoài Trung Quốc

Phương Linh | 16:19 08/11/2022

Chi nhánh thương mại điện tử quốc tế AliExpress của Alibaba cho biết họ đang chi tương đương 7 triệu USD để tiếp cận người tiêu dùng ở Hàn Quốc.

Alibaba chi hàng triệu USD phát triển thương mại điện tử bên ngoài Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn độc quyền với CNBC, chi nhánh thương mại điện tử quốc tế AliExpress của Alibaba cho biết họ đang chi tương đương 7 triệu USD để tiếp cận người tiêu dùng ở Hàn Quốc.

AliExpress cho biết họ đã triển khai dịch vụ vận chuyển từ ba đến năm ngày đến Hàn Quốc vào năm ngoái, cho phép người dân Hàn Quốc mua một số sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang từ Taobao - trang thương mại điện tử chính của Alibaba tại Trung Quốc.

Tổng cộng, AliExpress cho biết họ đã chi 10 tỷ won trong năm nay tại Hàn Quốc để giảm giá sản phẩm. Công ty muốn “đảm bảo rằng chúng tôi có giá tốt nhất”, Gary Topp, giám đốc thương mại và tiếp thị châu Âu tại AliExpress cho biết. Khoản đầu tư này có vẻ sẽ khai thác một thị trường được định giá hàng tỷ USD và hiện đang được thống trị bởi các công ty Mỹ.

Hoạt động mua hàng trực tuyến của người Hàn Quốc từ các trang web bán lẻ nước ngoài đã tăng 1 tỷ USD vào năm 2021 lên 4,5 tỷ USD, với 41% xuất phát từ Mỹ, theo một báo cáo vào tháng 8 của Cục Thương mại Quốc tế Mỹ.

“Mặc dù vào năm 2020, Mỹ được xếp hạng số một nhưng các quốc gia khác như Trung Quốc cũng đang mở rộng sự hiện diện của họ trên thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc”. Báo cáo cũng chỉ ra người tiêu dùng Hàn Quốc hiện đang mua hàng từ hơn 30 quốc gia.

Công ty phân tích dữ liệu độc lập TDI có trụ sở tại Seoul cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, số lượng người dùng ứng dụng AliExpress trong số người Hàn Quốc đã tăng 22%. Điều đó đã đưa lượng người dùng hoạt động hàng tháng ở Hàn Quốc lên mức kỷ lục 2,72 triệu vào tháng 9.

AliExpress cho biết họ không bình luận về dữ liệu của bên thứ ba. Nhưng Zhang Kaifu, phó chủ tịch Alibaba và tổng giám đốc AliExpress nói tại một hội nghị vào tháng tư rằng: Tổng khối lượng hàng hóa ở Hàn Quốc đã tăng 44% trong năm ngoái và số lượng người mua tăng 50%.

Vào tháng 8 năm ngoái, AliExpress đã là một trong năm trang web hàng đầu được người Hàn Quốc sử dụng nhiều nhất để mua sản phẩm trực tiếp từ người bán ở nước ngoài. Các trang web khác là Amazon, Iherb, eBay và Q0010. Trong những năm qua, AliExpress tập trung chủ yếu vào việc tiếp cận thị trường châu Âu.

Tiết lộ công khai cho thấy các khoản trợ cấp được công ty tập trung vào việc làm cho sản phẩm có giá rẻ hơn và vận chuyển nhanh hơn cho người tiêu dùng ở Tây Ban Nha, Pháp và các nước châu Âu khác. Khi chuẩn bị cho lễ hội mua sắm lớn vào ngày11/11, công ty cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi trong hai ngày cho khách hàng ở Tây Ban Nha và Pháp. Mùa thu này, AliExpress bắt đầu triển khai các gói thanh toán trả góp không lãi suất cho khách hàng ở châu Âu.

Thương mại điện tử ở nước ngoài của Trung Quốc thúc đẩy các đối thủ của Alibaba ở trong nước, đáng chú ý là Pinduoduo và chủ sở hữu TikTok Bytedance, đã nhảy vào cuộc đua thương mại điện tử ở nước ngoài năm nay. Công ty khởi nghiệp Shein có trụ sở tại Trung Quốc đã tạo nên làn sóng mới trong lĩnh vực thời trang nhanh với sự kết hợp giữa chuỗi cung ứng địa phương và mạng xã hội ở nước ngoài.

AliExpress, ra mắt vào năm 2010, từ chối bình luận về cuộc đua với các đối thủ. Alibaba cho biết trong quý kết thúc vào ngày 30/6 rằng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bán lẻ thương mại quốc tế của họ đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,57 tỷ USD chủ yếu do những thách thức ở thị trường châu Âu. Nguyên nhân được cho là do sự mất giá của đồng euro so với đồng USD và các quy tắc thuế mới của EU.

Trong cùng quý đó, hoạt động kinh doanh bán lẻ thương mại Trung Quốc của công ty đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 20,45 tỷ USD. Giai đoạn này đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn liên quan đến COVID đối với chuỗi cung ứng và hậu cần.

Nguồn: CNBC

Bài liên quan

(0) Bình luận
Alibaba chi hàng triệu USD phát triển thương mại điện tử bên ngoài Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO