Khoản viện trợ được cấp vốn từ Quỹ Ứng phó thiên tai châu Á - Thái Bình Dương, thiết kế để cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) bị ảnh hưởng bởi các thảm họa lớn do thiên tai.
“ADB cam kết hợp tác với Chính phủ trong công cuộc phục hồi sau thảm họa ở các tỉnh bị ảnh hưởng để xây dựng lại tốt hơn và cải thiện khả năng chống chịu. Điều này rất quan trọng bối cảnh thiên tai đang gia tăng”, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - chia sẻ.
Yagi là cơn bão mạnh nhất vào Việt Nam hàng thập kỷ, đổ bộ vào bờ biển phía bắc ngày 7/9. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính tới 24/9, có 337 người thiệt mạng hoặc mất tích và gần 2.000 người bị thương.
Cơn bão cùng với lũ lụt và sạt lở đất sau đó gây tổn thất trên diện rộng tại 26 tỉnh thành, với khoảng 37 triệu người dân sinh sống tại các vùng bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế ban đầu trên toàn miền Bắc ước tính vào khoảng 2,6 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ảnh hưởng từ siêu bão này có thể làm giảm 0,15% GDP của Việt Nam so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối Quý II (6,8% - 7%).
ADB cho biết đang phối hợp với các đối tác phát triển khác nhằm hỗ trợ chính phủ ứng phó thiên tai, bao gồm đánh giá nhu cầu hỗ trợ tại các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng.
Hỗ trợ khẩn cấp của ADB nhằm bảo đảm người dân sống tại các khu vực bị thiên tai có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cơ bản, cũng như các nguồn lực để xây dựng lại cuộc sống và sinh kế. Đồng thời, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các đối tác phát triển khác để cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Trước đó, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ và viện trợ từ cộng đồng quốc tế. Mỹ cung cấp 1 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Úc, Nhật Bản, Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo (AHA Centre)… cũng viện trợ, hỗ trợ người dân Việt Nam các sản phẩm thiết yếu như máy lọc nước, chăn, thảm, dụng cụ sửa chữa nhà cửa, dụng cụ vệ sinh cá nhân…