Năm 2022 sắp kết thúc với không ít khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng cao gây bất ổn vĩ mô, các ngân hàng trung ương hành động quyết liệt trong việc tăng lãi suất, giá cả hàng hóa biến động và chính sách Zero Covid ở Trung Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACBS cho rằng triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, mặc dù có lẽ phải đến nửa cuối năm do những khó khăn vĩ mô dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong đầu năm 2023.
Trong nước, tâm lý thị trường đã trở nên trầm lắng, áp lực tỷ giá USD/VND cùng các đợt tăng lãi suất liên tiếp từ NHNN (tổng cộng 200 điểm) càng làm suy giảm sự nhiệt tình đối với TTCK.
Đội ngũ phân tích ACBS đã đưa ra các dự báo thị trường cho năm 2023. Mặc dù các vấn đề thế giới đang đối mặt vẫn chưa có cách khắc phục nhanh chóng, nhưng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa đầu năm 2023.
Trong nước, các nỗ lực chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả giúp tăng tính minh bạch cho thị trường và một số khó khăn tín dụng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sẽ giảm bớt trong năm 2023.
Từ những đánh giá trên, ACBS đưa ra ba kịch bản cho VN-Index vào cuối năm 2023.
Trong kịch bản cơ sở, đội ngũ phân tích giả định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong khoảng 8-10%. Tâm lý thị trường sẽ cải thiện hơn so với hiện tại với bội số thị trường tăng lên, các nỗ lực chống tham nhũng sẽ giảm bớt và thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa.
Khó khăn vĩ mô toàn cầu phần lớn sẽ lắng xuống vào cuối năm 2023 và các ngân hàng trung ương sẽ hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, điều này sẽ giúp giảm áp lực lên VND và cho phép NHNN xem xét chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Do tâm lý trầm lắng kéo dài trong thời gian gần đây khiến trong ngắn hạn thị trường khó có thể quay trở lại mức định giá lịch sử. Chỉ số VN-Index có thể sẽ giao dịch quanh mức 1.300 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng với P/E kỳ vọng 2023 khoảng 9,3 lần.
Kịch bản lạc quan dựa vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023, thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào mạnh mẽ cũng như các vấn đề tín dụng mà thị trường gặp phải sẽ được giải quyết.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ kiểm soát được lạm phát trong nửa đầu năm 2023 và tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Với các giả định này, thu nhập của các doanh nghiệp tăng 17-20%, trong khi định giá trên thị trường có thể cao hơn với mức hiện tại. Tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trung bình 3 năm do tình trạng bất ổn kéo dài của tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và sẽ ở mức khoảng 12-13x, đưa chỉ số VN-Index tăng lên khoảng 1.550 điểm vào cuối năm.
Trong kịch bản bi quan, ACBS nhận thấy những lo ngại về lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ diều hâu và kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và chiến lược zero COVID ở Trung Quốc tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong nước, GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có thể bị cản trở do niềm tin của người tiêu dùng thấp hơn ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, lo ngại suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và thị trường tín dụng bị đình trệ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản.
Trong kịch bản này, thu nhập chỉ đạt mức tăng trưởng từ trung bình đến khiêm tốn và tâm lý thị trường duy trì ở mức thấp trong suốt cả năm với bội số thị trường trong khoảng 9-10x trong khi các kênh đầu tư khác được nhà đầu tư ưa chuộng hơn khiến chỉ số gần như đi ngang khi kết thúc năm 2023.