Cái tên MoMo bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2010, do CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) phát triển. Thời điểm đó, fintech (công nghệ tài chính) là khái niệm vô cùng xa lạ với người Việt. Chia sẻ hồi tháng 9/2022, CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường cho biết khoảng 7-8 năm trước, ông phải mất khoảng nửa tiếng để giải thích ví điện tử là gì, tại sao cần dùng.
“Khi người ta hiểu rồi thì sẽ hỏi: Thế thì có mất tiền không?”, ông kể lại.
Bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn đổi khác. Thị trường ví điện tử Việt Nam được cho là đang vào giai đoạn bùng nổ với 40 ví hoạt động. Theo báo cáo công bố cuối năm 2022 của Robocash, ước tính đến tháng 7/2024, thị trường này sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, sau đó tăng lên 100 triệu vào tháng 5/2026 và 150 triệu vào tháng 7/2030.
Robocash cho biết khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam đang sử dụng ví điện tử, tăng vọt so với mức 14% hồi cuối năm 2018. Trong đó, thị phần người dùng lớn nhất thuộc về MoMo với 45,8%.
Dẫn đầu về mọi chỉ số
Tháng trước, Decision Lab cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (MMA) cũng công bố báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" cho thấy MoMo dường như không có đối thủ trên thị trường ví điện tử.
Không những sở hữu tỷ lệ sử dụng cao nhất lên tới 68% - bỏ xa đối thủ xếp thứ 2 là Zalopay với 53%, MoMo còn là ứng dụng duy nhất có tỷ lệ sử dụng trong quý 1/2023 không bị giảm so với quý 4/2022.
Xét về mức độ yêu thích, MoMo càng “không có đối thủ”, khi 48% đáp viên của Decision Lab chọn đây là ví điện tử họ sử dụng thường xuyên nhất, tăng 2% so với kết quả quý 4/2022. Đứng thứ 2 là Zalopay chỉ với 18%, giảm 1% so với quý 4/2022 và xếp hạng 3 là ViettelPay với 10%. Chia theo từng độ tuổi, MoMo cũng là ứng dụng được sử dụng thường xuyên nhất của cả Gen X, Gen Y và Gen Z.
Cuối năm ngoái, YouGov công bố bảng xếp hạng Thương hiệu Ngân hàng và Giải pháp thanh toán được cân nhắc nhiều nhất tại Việt Nam năm 2022. Trước những tên tuổi trong ngành ngân hàng như Vietcombank, BIDV hay Techcombank, MoMo vẫn dẫn đầu với 30,8 điểm, vượt qua Vietcombank đứng thứ 2 với 27,8 điểm.
Ngoài ra, MoMo còn là công ty thanh toán điện tử phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022 theo xếp hạng của Reputa. Nền tảng này nhận xét những bài viết “bắt trend” cùng các sự kiện, chương trình thiết thực của MoMo nhận được lượng tương tác tích cực, cho thấy MoMo thật sự nghiêm túc trong việc truyền thông trên mạng xã hội, từ đó nâng cao giá trị uy tín và hiệu quả kinh doanh của thương hiệu.
Bắt tay với hàng loạt đối tác
Năm 2019, MoMo cán mốc 10 triệu người dùng. Con số này tăng gấp đôi vào tháng 9/2020. Đến đầu năm 2022, MoMo đã thu hút hơn 30 triệu người dùng, trong đó có khoảng 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm.
Từ một ví điện tử, MoMo giờ đây trở thành siêu ứng dụng cung cấp hàng trăm dịch vụ khác nhau trên nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, giải trí, thương mại điện tử, ăn uống, quyên góp từ thiện… Cùng với đó là những cú bắt tay với đông đảo đối tác, bao gồm các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các nhà mạng, hãng hàng không, giao thông vận tải, rạp chiếu phim…
Gần đây nhất, Apple đã chọn MoMo làm phương thức thanh toán chính thức khi mở cửa hàng trực tuyến Apple tại thị trường Việt Nam, cho phép khách hàng trả góp theo các kỳ hạn từ 6-24 tháng với lãi suất cạnh tranh, chỉ phải trả trước 20% giá trị sản phẩm.
Hồi cuối tháng 12/2022, MoMo cũng trở thành ví điện tử đầu tiên tích hợp thanh toán tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Với cái bắt tay này, MoMo đã hoàn tất sự hiện diện tại các thương hiệu thuộc tập đoàn Thế Giới Di Động bao gồm Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, TopZone, AVAKids, AVASport, nhà thuốc An Khang…
Sự cạnh tranh từ các đối thủ
Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 do công ty Visa thực hiện, Việt Nam dường như đang trong “kỷ nguyên” thanh toán số khi có tới 89% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử. 77% đáp viên tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày. Đáng chú ý, 2/3 số người được khảo sát kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2030.
“Thuở ấy, những người sáng lập chỉ mơ đến một ngày tại Việt Nam nếu ra đường quên mang theo ví vẫn có thể mua được ly cà phê, ăn tô bún ở một hàng quán nào đó. Ước mơ giờ đây đã trở thành hiện thực, khi rất nhiều người bước chân ra khỏi nhà có thể thoải mái đi cà phê, xem phim, dạo phố mua sắm hay ăn uống... chỉ với điện thoại cầm tay có cài MoMo”, CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường từng chia sẻ với báo giới.
Với niềm tin Việt Nam sẽ trở thành quốc gia không tiền mặt, ông Tường đã chia sẻ giấc mơ cùng các đối tác và nhận phản hồi tích cực, để có được hơn 30 triệu người dùng như hiện nay.
Tuy nhiên, MoMo cũng đối mặt thách thức khi các đối thủ cũng sở hữu những lợi thế nhất định. Zalopay cùng thuộc công ty VNG với Zalo – nền tảng trò chuyện phổ biến hàng đầu Việt Nam và đang tích cực hợp tác với các bên để tăng lượng người dùng, trong đó có cả Grab – hệ sinh thái vốn đã có sẵn ví điện tử Moca.
ShopeePay lại là ví điện tử duy nhất được chấp nhận thanh toán trên Shopee – sàn thương mại điện tử nhiều người dùng nhất Việt Nam, sở hữu cả ứng dụng giao đồ ăn ShopeeFood. Ngoài ra, Viettelpay cũng tham gia cuộc đua với sự hậu thuẫn từ nhà mạng Viettel.
Theo TechinAsia, cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam đang vô cùng gay gắt và các bên đều không tiếc tay chi tiền khuyến mại nhằm giành giật khách hàng.
“Tuy nhiên, sự thật là những khuyến mại không thể tồn tại mãi. Để có được lợi nhuận, các công ty ví điện tử vẫn cần phải chờ rất lâu nữa. Người chiến thắng phải là người có nguồn tài chính bền vững để cạnh tranh, và quan trọng là làm sao để tạo ra tiền từ dữ liệu khách hàng”, TechinAsia nhận định.