“Tôi, 56 tuổi, từng là một chuyên gia về công nghệ nhưng thất nghiệp hơn 1 năm nay. Mòn mỏi nộp hơn 300 CV xin việc, cho đến hiện tại, tôi vẫn không được bất kỳ công ty nào để ý. Không biết vì sao nữa. Liệu tuổi tác có phải là vấn đề?
Tháng 10 năm ngoái, tôi bị công ty sa thải sau 5 năm cống hiến. Với 20 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi tự tin nộp rất nhiều CV, chính xác là đã tham gia 31 cuộc phỏng vấn, song các ứng viên trẻ tuổi hơn luôn là người được chọn.
Ngay cả khi đã hạ thấp kỳ vọng, tôi vẫn không gặp may. Một công ty đề xuất tuyển tôi vào một vị trí có mức lương chỉ bằng một nửa, với điều kiện tôi phải xóa ngày tháng năm sinh khỏi CV, thậm chí nói khéo nhắc tôi nên đi nhuộm lại tóc.
Tôi coi tuổi tác và kinh nghiệm là tài sản đáng quý, vậy nên, thật khó chịu khi các công ty đó không có quan điểm tương tự. Tôi muốn xóa bỏ định kiến. Tôi nên làm gì đây?
Chúng tôi đang sống trong một văn hóa bị ám ảnh bởi người trẻ. Một cuộc khảo sát hồi năm 2022 từ AARP với gần 3.000 người cho thấy khoảng 2/3 số lao động trên 50 tuổi tin rằng nhân viên lớn tuổi sẽ phải đối mặt với sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc”.
Tờ BI hồi tháng 3 trích dẫn tâm sự trên của một chuyên gia công nghệ. Trong bối cảnh vấn đề phân biệt tuổi tác ngày càng trở nên trầm trọng, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau cuộc Đại suy thoái, các lao động lớn tuổi thất nghiệp phải mất gấp đôi thời gian so với người trẻ để tìm kiếm công việc mới. 59% trong số đó được trả lương ít hơn so với trước đây.
“Khó khăn nằm ở chỗ không biết ai đã được chọn, điều gì khiến họ trở nên khác biệt với bạn và liệu bạn có đủ tiêu chuẩn trong vị trí đó hay không”, Ray Peeler, cố vấn pháp lý tại Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC), nhận định.
Theo Peeler, để đưa vấn đề này ra tòa theo Đạo luật Việc làm và Phân biệt tuổi tác, bên nguyên phải nộp đơn tố cáo với EEOC. Các khoản phí thường phải được nộp trong vòng 180 hoặc 300 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc, tùy thuộc vào luật pháp tiểu bang. Năm ngoái, EEOC đã giải quyết khoảng 13.000 cáo buộc phân biệt tuổi tác với các lá đơn chủ yếu nhằm vào phía công ty tuyển dụng.
Đa số đều tỏ ra hào hứng với lá đơn xin việc dặn dày kinh nghiệm, song đột nhiên mất hứng khi ứng viên nhắc đến năm sinh. Có lẽ tuổi tác là một trong những yếu tố sàng lọc bởi chúng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất và văn hóa làm việc.
Thung lũng Silicon, nơi tập trung những kỹ sư công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới, luôn đề cao sự sáng tạo và khả năng làm việc quên mình. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà họ được trả lương hậu hĩnh và đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, tuổi nghề trong ngành lại ngắn và khi bước sang tuổi 50, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khó khăn trong việc xử lý công việc.
“Nếu bạn làm cho một công ty lớn trong 10 năm và bị sa thải, nhiều khả năng kỹ năng của bạn đã bị tụt hậu”, Jonathan Nelson, CEO của mạng xã hội Hackers/Founders ở Thung lũng Silicon cho biết. “Tôi biết nhiều kỹ sư bị sa thải ở độ tuổi 40 và 50. Họ đã phải tự đào tạo lại thì mới viết được ứng dụng di động. Những người không bắt kịp được thời đại thì đành bỏ nghề và chuyển sang lái xe cho Uber”.
Bob Schoenberger là một trong những người không may như thế. Ông đã tham gia rất nhiều các lớp dạy ngôn ngữ lập trình mới để thích nghi với thời cuộc, song ngoài một số công việc thời vụ ở công ty chế tạo thiết bị y tế Hospira, ông Bob Schoenberger chẳng kiếm được công việc nào. Ông và vợ đành sống dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp ít ỏi cùng cuốn sổ tiền tiết kiệm đang cạn dần.
“Phải cập nhật kiến thức mới và tỏ ra trẻ trung nếu bạn muốn tiếp tục làm việc trong một ngành mà đa số mọi người mới ở độ tuổi 20”, một người bình luận.
Trước đó, Mark Zuckerberg từng chia sẻ rằng những người trẻ ở độ tuổi ngoài 20 thường thông minh hơn, người ở độ tuổi 30 “tạm chấp nhận được”, còn người ngoài 30 thì “đừng bao giờ tuyển”. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Facebook được mệnh danh là một trong những công ty công nghệ trẻ nhất thung lũng Silicon.
“Đơn giản là người trẻ thông minh hơn”, Zuckerberg nói trong một bài phát biểu.
Thực tế, những kỹ sư công nghệ tầm 40 tuổi bắt đầu cảm nhận được sự phân biệt tuổi tác. Khi bước sang tuổi 50, họ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt để không bị mất việc. Luật ngầm này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất gây ra rất nhiều khó khăn cho nhiều người lớn tuổi có đủ năng lực và chuyên môn.
Câu chuyện về Randy Adams là một ví dụ điển hình. Năm 2012, ông tìm kiếm một công việc ở thung lũng Silicon ở tuổi ngoài 60. Với trình độ và kinh nghiệm dày dặn, Randy Adams nghĩ rằng vị trí giám đốc điều hành là điều không quá khó khăn.
Tuy nhiên, ông đã bị đánh trượt. Người giành được vị trí là một chàng trai trẻ ít tuổi và đương nhiên, ít kinh nghiệm hơn ông.
Sau lần đó, Randy Adams tiếp tục tham gia một cuộc phỏng vấn nhưng với diện mạo mới hơn: cạo râu và đi giày thể thao Converse. Kết quả, ông được nhận vào vị trí CEO.
“Nếu bạn đã có tuổi và đi xin việc ở thung lũng Silicon, hãy đeo ba lô thay vì cầm cặp. Cũng đừng sử dụng máy tính Dell hay điện thoại di động Blackberry. Thay vào đó, hãy dùng smartphone và đồ công nghệ của Apple”, Randy Adams, Giám đốc công ty Talent Farm, chia sẻ.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như CEO Randy Adams chỉ nhờ thay đổi diện mạo. Bà Cynthia Houston, U60, quyết định để kiểu tóc sành điệu và mặc quần áo thời trang theo sự tư vấn của cháu gái, song vẫn thất nghiệp. Đến với bà chỉ là những công việc thời vụ, nhờ sự giới thiệu của một đồng nghiệp cũ.
“Mọi công việc tôi có đến bây giờ đều là qua người quen. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không còn làm việc ở đó nữa”, bà nói.
Theo: BI, Bloomberg