Với dân số già, nước Đức đang phải vật lộn trước thực trạng thiếu hụt lao động. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW) cho biết năm 2021, có khoảng 63.000 vị trí tuyển dụng bị bỏ trống, chiếm 12% tổng số vị trí tuyển dụng hiện có.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng con số thực có thể còn lớn hơn nhiều, do thống kê chỉ tính những người đã đăng ký với các cơ quan tuyển dụng của Đức.
Theo IW, nếu tính cả những vị trí không được thống kê, tỷ lệ này có thể lên tới gần 40%.
Phát biểu với tờ Financial Times hồi tháng 5, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết: “Nếu chúng ta không hành động gì, đến năm 2035, Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động.”
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã tích cực tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh dịch vụ du học kép (hình thức du học vừa học vừa làm) tại Đức, trong đó, điều dưỡng là một ngành được chú trọng.
Do tỷ lệ già hóa dân số tăng cao, chế độ phúc lợi xã hội tốt và văn hóa vào Viện dưỡng lão khi về già của người Đức, khiến cho ngành điều dưỡng trở thành một trong những ngành cần nhiều nguồn nhân lực nhất tại quốc gia này hiện nay.
Mới đây, một vị doanh nhân nổi tiếng đang làm về du học chia sẻ trên kênh TikTok rằng: "Làm nghề điều dưỡng vất vả thì đúng, nhưng nhiều bạn làm nghề điều dưỡng ở bên Đức tháng nào cũng gửi đều như vắt tranh, gửi về cho bố mẹ 100 triệu".
Clip này sau đó đã được gỡ bỏ khỏi nền tảng nhưng từ đó làm dấy lên nhiều tranh luận và phản biện từ những YouTuber và TikToker có kinh nghiệm và thông tin trong lĩnh vực du học Đức về chủ đề: DU HỌC ĐIỀU DƯỠNG ĐỨC CÓ THỂ GỬI VỀ CHO BỐ MẸ 100 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG ĐỀU NHƯ VẮT TRANH?
Kênh YouTube Đi Đức cùng VGP - VietGermanPath (đơn vị làm dịch vụ du học nghề Đức) có 13 nghìn followers mới đây đã đăng tải một video chia sẻ về chủ đề này.
Theo đó, nhân vật chia sẻ cho biết: Nếu nói một điều dưỡng viên ở Đức mỗi tháng có thể kiếm được 100 triệu thì có khả năng, nhưng nếu nói "gửi về cho bố mẹ đều như vắt tranh 100 triệu" thì cần kiểm chứng lại.
YouTuber này cho biết, theo luật pháp Đức và các thông tin về đại sứ quán Đức, mức lương dao động của ngành điều dưỡng khi ra trường từ 2.800 - 3.700 EUR/tháng. Trừ đi các khoản thuế, phí như thuế TNCN, BHXH, các chế độ chăm sóc về y tế... chỉ còn khoảng 2.400 EUR/tháng về tay. Trừ đi chi phí sinh hoạt, trong điều kiện tiết kiệm rơi vào khoảng 700 - 800 EUR/tháng. Như vậy, còn khoảng 1.600 EUR, tương đương 40 triệu/tháng.
YouTuber này ước tính nếu muốn gửi về cho bố mẹ 100 triệu đồng/tháng, mức lương tại Đức phải rơi vào khoảng 6.900 EUR/tháng, vậy con số này có thật hay không?
Về thu nhập của điều dưỡng ở Đức, theo một video đăng tải hồi tháng 9/2023 tại trang DeutschFlex - Tiếng Đức Di Động, lương điều dưỡng chăm sóc người già theo hình thức học nghề sẽ được khoảng 1.300 Euro/tháng trong năm đầu, năm thứ 2 tăng lên thành 1.400 - 1.500 Euro/tháng.
Sau khi ra trường, nhân sự có thể đạt mức lương ở mức 4.000 Euro/tháng (khoảng 103 triệu đồng/tháng) chưa kể phụ cấp, tùy thuộc vào từng Viện, trình độ,...
Theo con số mà nhân vật trong video này cung cấp, sau khi trừ đi thuế, bảo hiểm, ăn uống, tiền nhà, chi phí sinh hoạt,... số tiền để ra mỗi tháng lên tới 100 triệu đồng/tháng là khó khả thi.
Gần 2 năm trước, kênh YouTube Thanh Thảo, một điều dưỡng viên người Việt đang làm việc tại Đức đã có video về chủ đề "Liệu điều dưỡng tại Đức kiếm được 100 triệu/tháng như lời đồn?" với những chia sẻ rất thực tế và tường tận từ góc nhìn của người trong cuộc.
Theo Thanh Thảo, học viên học theo chương trình 3 năm thì trong năm học thứ nhất có thể được nhận về 1.100 EUR/tháng (mức thấp hơn là 800 - 900 EUR/tháng), năm 2 nhận 1.200 EUR và năm 3 nhận 1.300 EUR.
Sau khi trừ đi thuế và các loại bảo hiểm theo quy định của luật pháp, thu nhập về tay năm thứ nhất, năm hai và năm ba lần lượt còn khoảng 700 - 800, 900 và 1.000 EUR. Tiếp tục trừ đi tiền nhà (300-350 EUR/tháng với Berlin, thành phố có chi phí sinh hoạt dễ chịu ở Đức), chi phí ăn uống khoảng 150 EUR/tháng (tự nấu), chi phí sinh hoạt khác... còn dư ra tầm 200 EUR mỗi tháng, khoảng 5 triệu VNĐ.
Thanh Thảo cho biết sau khi ra trường, điều dưỡng có thể nhận được 2.800 - 3.000 EUR và cứ mỗi 2 năm sẽ được tăng lương 1 lần, tuy nhiên sẽ có mức cao nhất. Thanh Thảo cũng lưu ý, mức lương còn phụ thuộc vào khoa phòng nơi làm việc, chẳng hạn những khoa như cấp cứu, ung bướu hay tâm thần, lương sẽ cao hơn khoa thường.
Thu nhập chia thành 2 phần, bao gồm thu nhập cơ bản và phụ cấp. Theo đó, thu nhập về tay thông thường ở khoảng 1.700 - 1.800 EUR. Sau khi cộng thêm phụ cấp (có trừ thuế và bảo hiểm), chẳng hạn phụ cấp chăm sóc, phụ cấp bậc lương, phụ cấp ca đêm, cuối tuần, ngày Lễ, phụ cấp độc hại,... thu nhập về tay còn khoảng 2.100 - 2.300 EUR, tương đương khoảng 52 - 56 triệu VNĐ (theo tỷ giá tại thời điểm chia sẻ).
Thanh Thảo nhấn mạnh, con số 100 triệu mà mọi người đồn đại chỉ là trên giấy tờ, chưa trừ đi các khoản phải nộp theo lương.
Việc mà ai đó có thể có mức thu nhập cao hơn được Thanh Thảo giải thích là do đi làm thêm. Tùy theo năng lực làm việc, khả năng sắp xếp công việc và độ chịu khó "cày" mà một người có thể kiếm được 100 triệu đồng/tháng về tay. Tất nhiên, đây là thu nhập thực lĩnh, chưa trừ đi chi phí sinh hoạt, tiêu dùng cá nhân.