Là con trai của bà mẹ đơn thân, Jonathan Sanchez luôn được dạy rằng phải có tư duy tiết kiệm. Khi lớn lên, các mối lo về tài chính của mẹ cũng là điều Jonathan Sanchez luôn bận tâm.
Anh cho rằng khi có công việc lương cao, các vấn đề tài chính sẽ được giải quyết. Nhưng ngay cả khi vợ chồng Jonathan thăng tiến trong sự nghiệp, phần lớn thu nhập của họ đều được dùng vào chi phí sinh hoạt cơ bản và trả các món nợ thời sinh viên.
Nhưng năm 2021, ở tuổi 37, Jonathan đã đạt được tài sản ròng trị giá 1 triệu USD. Hai vợ chồng anh học cách tiết kiệm nhiều hơn, làm thêm và đầu tư vào bất động sản. Đồng thời Jonathan và vợ Jacqueline cũng muốn trở thành tấm gương về tài chính cho hai đứa con nhỏ.
Năm 2020, vợ chồng anh cho ra mắt Parent Portfolio (tạm dịch: Danh mục đầu tư dành cho cha mẹ), giúp các gia đình học cách xây dựng sự giàu có cho cả thế hệ và nuôi dạy những đứa trẻ hiểu biết về tài chính.
Quy tắc 3 câu hỏi trước khi mua hàng
Dù có tài sản ròng trị giá 1 triệu USD, vợ chồng Jonathan-Jacquelin vẫn chi tiêu trong tầm khả năng. Ngay cả khi thu nhập tăng lên, họ không tăng hạng mục chi tiêu. Quan điểm này không đồng nghĩa với việc mọi người không nên tận hưởng thành quả lao động. Điểm khác biệt là họ cần có sự lưu tâm, cân nhắc trước khi chi tiêu.
Ví dụ, khi con Jonathan muốn mua đồ chơi, anh thường hỏi 3 câu: "Đây có phải là thứ con thật sự cần", "Con có nghĩ mình sẽ dùng chúng thường xuyên sau khi mua về không" và "Có thứ tương tự như vậy nhưng ít tốn kém hơn không".
Nhờ trả lời 3 câu hỏi, vợ chồng nhà Sanchez đã hướng dẫn các con về quy trình đưa ra quyết định khi mua thứ gì đó. Đồng thời họ chỉ ra giá trị của những món đồ đó và tính thực tiễn của món đồ.
Lập ngân sách
Jonathan coi việc lập ngân sách là công cụ để tạo ra nhiều tự do tài chính, giúp tiết kiệm tiền bằng cách ngăn chặn chi tiêu quá mức. Ngoài ra, vợ chồng anh xem xét lại ngân sách hàng tháng để thực hiện các thay đổi dựa trên tình hình hiện tại.
Khi con trai anh muốn có tiền để tổ chức hội chợ sách ở trường, vợ chồng Jonathan đã đưa cho cậu khoản ngân sách 40 USD. Đối với con trai, đây có thể là "trò chơi" xem cậu có thể kiếm được bao nhiêu cuốn sách có giá trị dưới 40 USD.
Đừng để mạng xã hội ảnh hưởng đến chi tiêu của bạn
Khi mọi người đăng ảnh về những kỳ nghỉ xa hoa hoặc những chiếc xe hơi mới lạ, điều này có thể khiến bạn bè cảm thấy ngưỡng mộ hoặc ghen tị.
Jonathan và vợ xử lý loại áp lực này bằng cách hạn chế cho con sử dụng thiết bị công nghệ. Họ chỉ cho phép con sử dụng máy tính bảng vào cuối tuần và không quá hai giờ mỗi ngày.
Họ cũng cố gắng trở thành tấm gương tốt cho các con, như không bao giờ rút điện thoại ra khi ăn cùng nhau, sử dụng các ứng dụng vô hiệu hóa mạng xã hội để giới hạn thời gian vào mạng xuống 1 giờ/ngày.
Nắm chắc nguồn tiền vào và ra
Vợ chồng Jonathan giáo dục con cái về tài chính bằng ngôn ngữ, công cụ và ví dụ thực tế phù hợp với lứa tuổi.
Ví dụ, để con hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của cha mẹ, Jonathan và Jacqueline đưa con đến các địa điểm dự án và giới thiệu con các nhà thầu mà cha mẹ hợp tác. Họ cũng sử dụng nhiều hình ảnh để minh họa cách thức hoạt động của các giao dịch giữa ngân hàng, người đi vay, người thuê nhà và chủ nhà.
Bắt đầu tiết kiệm sớm và đừng mong giàu có chỉ sau một đêm
Một trong những câu chuyện mà Jonathan thích kể cho các con nghe là về rùa và thỏ. Bài học khôn ngoan được rút ra là làm mọi việc chậm rãi và đều đặn. Việc xây dựng tài sản cũng vậy, không thể một sớm một chiều là có kết quả.
Khi những đứa trẻ nhà Sanchez nhận được những món quà bằng tiền, cha mẹ liền gửi vào tài khoản ngân hàng của con. "Hiện tại, cha mẹ chịu trách nhiệm chu cấp cho những nhu cầu và mong muốn của các con. Ngân hàng là nơi an toàn để con gửi tiền vào và nơi đây tạo ra lãi suất theo thời gian. Khi các con đủ lớn, các con có thể sử dụng số tiền đó cho mục đích riêng của mình", Jonathan nhắn nhủ con cái.
Theo CNBC