4 năm 'múc vàng đen lên bán', quốc gia tí hon này bỗng đổi đời, sắp thành nước giàu nhất Nam Mỹ

Đức Nam | 16:43 27/06/2023

Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này sẽ đạt hơn 27.000 USD trong năm 2024, cao nhất Nam Mỹ.

4 năm 'múc vàng đen lên bán', quốc gia tí hon này bỗng đổi đời, sắp thành nước giàu nhất Nam Mỹ

Sau một loạt các phát hiện lớn trong vùng lãnh hải của mình, quốc gia nghèo khó ở Nam Mỹ là Guyana đang nổi lên như là một trong những “vựa” dầu thô nóng nhất thế giới và là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Với hơn 30 phát hiện quan trọng, 11 tỷ thùng dầu được xác định cho đến nay và sản lượng dầu mỏ cũng như xuất khẩu liên tục tăng, Guyana đã sẵn sàng trở thành quốc gia giàu có nhất ở Nam Mỹ - ngôi vị từng thuộc về Venezuela.

Lô Stabroek ngoài khơi Guyana, nơi Exxon có hơn 30 phát hiện phát hiện về dầu mỏ chỉ trong 4 năm qua hiện bơm khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, lượng dầu xuất khẩu trung bình/ngày trong năm 2022 của Guyana đạt hơn 265.000 thùng, theo dữ liệu của Refinitiv. Con số này nhiều gấp hơn 2 lần so với mức 100.645 thùng/ngày của năm 2021. Châu Âu chính là thị trường chính của dầu thô Guyana với hơn 1 nửa thị phần.

guyana-in-talks-with-qatar-uk-ua.jpg

Dầu mỏ đang khiến Guyana “đổi đời”. Năm 2020, khi nền kinh tế của hầu hết quốc gia suy giảm vì đại dịch, Guyana nổi lên là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội tăng 43,5%. Sang năm 2022, nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng 62,3% và dự kiến năm 2023, mức tăng trưởng đạt 37,2% - vẫn là mức ấn tượng nhất thế giới.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, Quỹ tài nguyên thiên nhiên của Guyana đã nhận được 87 triệu USD tiền lại từ dầu mỏ. Dữ liệu từ ngân hàng trung ương Guyana cho thấy quốc gia này đã kiếm được 1,4 tỷ USD từ xăng dầu. Theo Bộ trưởng Tài chính Ashni Singh, doanh thu từ dầu mỏ sẽ tăng 31% lên 1,63 tỷ USD trong năm nay.

“Món hời” này đang được chính phủ Guyana sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng. Năm 2022, nước này công bố sẽ chi 96 tỷ USD để phát triển hạ tầng, trong số này 64 tỷ USD dành cho việc xây dựng và bảo trì cầu, đường.

Có những lo ngại cho rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ chảy vào đất nước chưa đến 1 triệu dân này sẽ thúc đẩy nạn tham nhũng, quản lý yếu kém, khiến Guyana trở thành nạn nhân của “lời nguyền dầu mỏ”.

Chính quyền Guyana đang tỏ ra rất thận trọng ở vấn đề này. Họ đã đề xuất ký lại thỏa thuận chia sẻ doanh thu để loại bỏ các điều khoản quá có lợi cho Exxon. Chính quyền đất nước cũng áp thêm mức thuế doanh nghiệp 10% so với mức 0% trước đây. Thỏa thuận mới sẽ giúp họ tăng nguồn thu cho chính phủ cho bất cứ hoạt động sản xuất dầu nào trong tương lai.

Sản lượng dầu ngày càng tăng - có thể đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2027, cùng các phát hiện mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Guyana.

0x0-3-.jpg

Năm 2023, GDP của Guyana được dự báo đạt 16,3 tỷ USD, có nghĩa nền kinh tế của họ vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia như Brazil (2.000 tỷ USD), Argentina (641 tỷ USD) và Chile (659 tỷ USD).

Tuy nhiên, nếu dựa trên GDP bình quân đầu người, Guyana sẽ trở thành quốc gia giàu có nhất ở Nam Mỹ. Theo IMF, GDP bình quân đầu người năm 2023 của Guyana sẽ là 20.540 USD, cao hơn gấp 3 lần so với mức 6.590 USD của năm 2019 - khi quốc gia này bắt đầu sản xuất dầu. GDP bình quân đầu người này giúp Guyana trở thành quốc gia giàu thứ 2 ở Nam Mỹ, chỉ sau Uruguay (dự báo GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 21.680 USD) và xếp trên Chile (dự kiến đạt 17.830 USD).

Đến năm 2024, GDP bình quân đầu người của Guyana được IMF dự báo đạt 27.640 USD, giúp nước này vượt qua Uruguay để trở thành quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ với mức chênh lệch rất vững chắc so với bất kỳ nền kinh tế Nam Mỹ nào khác.


(0) Bình luận
4 năm 'múc vàng đen lên bán', quốc gia tí hon này bỗng đổi đời, sắp thành nước giàu nhất Nam Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO