4 Luật sắp có hiệu lực, kỳ vọng tín dụng bất động sản sẽ bật tăng

Dương Trang | 17:01 15/07/2024

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 với những quy định mới được kỳ vọng sẽ đẩy tín dụng bất động sản bật tăng.

 4 Luật sắp có hiệu lực, kỳ vọng tín dụng bất động sản sẽ bật tăng
Giới phân tích đánh giá những quy định mới tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng sẽ tác động tích cực đến bức tranh tín dụng bất động sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng.

Doanh nghiệp và người dân chưa “mặn mà”

Theo thông báo của các ngân hàng có vốn nhà nước và NHTMCP, lãi suất vay mua bất động sản hiện vẫn duy trì ở mức thấp, tuy nhiên mức thấp này chỉ trong 3 tháng đầu, 6 tháng đầu hoặc 9 tháng đầu, sau đó biên độ cho vay giãn rộng từ 2-3%.

Đơn cử như lãi suất Agirbank cho vay trung và dài hạn áp dụng cho các khoản vay sản xuất kinh doanh, vay phục vụ nhu cầu đời sống và kinh doanh bất động sản như sau: cố định 6 tháng đầu tiên: 6%/năm; cố định 12 tháng đầu tiên: 6,5%/năm (áp dụng với khoản vay có thời hạn tối thiểu 3 năm);

Tại Vietcombank, lãi suất từ 5,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay dưới 24 tháng, hoặc từ 5,7%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.

Với các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất từ 6,2%/năm cố định trong 18 tháng, từ 6,5%/năm cố định trong 24 tháng, từ 8,0%/năm cố định trong 36 tháng, từ 9,5%/năm cố định trong 60 tháng.

Còn tại VPBank, gói vay tái tài trợ lãi suất từ 4,6% cố định trong 3 tháng, 5,9% cố định trong 6 tháng; 6,8% cố định trong 12 tháng; 7,8% cố định trong 18 tháng hoặc 9,9% cố định trong 24 tháng. Biên độ 3,5%. Áp dụng cho khách hàng cá nhân đang vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay kinh doanh thế chấp hoặc vay tiêu dùng thế chấp tại các ngân hàng khác, sử dụng tài sản đảm bảo là bất động sản.

Anh Hoàng Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh có sẵn một số vốn, muốn vay thêm để mua căn nhà chung cư tại quận Cầu Giấy, số tiền vay khoảng 1,5 tỷ đồng, lãi suất 9 tháng đầu khoảng 6%, nhưng những tháng tiếp theo biên độ tăng 2,5%, lãi suất sẽ là 8,5%. Với mức lãi suất đó thu nhập của anh sẽ không đủ chi trả lãi và gốc khoản vay.

Đại diện một doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, 4 năm nay doanh nghiệp chưa được nhận bàn giao đất để xây nhà ở xã hội nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn. Hiện doanh nghiệp chỉ đang hoàn thiện nốt một số dự án nhà ở thương mại tại các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn túc tắc vay, còn lại gần như dậm chân tại chỗ.

"Bức tranh" tín dụng sẽ sáng?

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, 6 tháng đầu năm nay, giao dịch bất động sản thấp do nhu cầu mua nhà của người dân không tăng. Điều này đến từ các nguyên nhân như: Vướng mắc pháp lý của nhiều dự án khiến nguồn cung bất động sản hạn chế, thị trường địa ốc chưa hồi phục, kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân tăng chậm, giá nhà tăng cao. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng trầm lắng do lượng khách du lịch giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Do đó, tín dụng cho vay mua nhà, tiêu dùng của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, theo Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngân hàng thương mại chỉ được cho cá nhân vay để mua nhà ở đã được hoàn thành để bàn giao, tức là nhà ở có sẵn. Liên quan đến quy định này, một số ý kiến cho rằng, Thông tư 22 đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản, làm hạn chế quyền tiếp cận vốn của cá nhân tại ngân hàng.

Tại một Hội nghị của NHNN giữa tháng 6/2024, đại diện NHTMCP Quân đội (MB) cho biết, tín dụng bất động sản gồm các mảnh ghép gồm: ngân hàng cho người dân vay để mua nhà ở, cho vay phát triển dự án bất động sản khu công nghiệp, các dự án nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng. Trong 6 tháng đầu năm, 4 lĩnh vực kể trên đều gặp khó khăn.

Tổng giám đốc MB đánh giá trong nửa đầu năm 2024, cho vay mua nhà chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan do giá nhà vẫn ở mức cao, cộng thêm kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút nên giao dịch tương đối ảm đạm.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính tới ngày 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, gần đạt mục tiêu Chính phủ đề ra (đến hết quý II/2024 tăng 5-6%). Trước đó, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 tăng 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong hơn 3 tuần đầu tháng 6, tín dụng đã tăng 2,04%, gần bằng tốc độ tăng 5 tháng đầu năm cộng lại.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích, sở dĩ tín dụng có sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng 6/2024 và nửa cuối năm 2024 là bởi nửa đầu năm, doanh nghiệp tập trung đàm phán, hợp đồng chủ yếu ký kết từ giữa năm, phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân nửa cuối năm.

Dù vậy, theo phản ánh, hiện nay, tiếp cận tín dụng chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn gặp khó khăn bởi thiếu tài sản đảm bảo và các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn.

Cũng tại hội nghị tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hồi giữa tháng 6/2024, đại diện một số ngân hàng cho rằng, trở lực lớn đối với tín dụng bất động sản chính là pháp lý. Bởi vậy, vừa qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã tập trung tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản nhưng mới chỉ được một phần. Quá trình này phụ thuộc vào các luật mới như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Giới phân tích đánh giá những quy định mới tại các bộ luật này sẽ tác động tích cực đến bức tranh tín dụng bất động sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
4 Luật sắp có hiệu lực, kỳ vọng tín dụng bất động sản sẽ bật tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO