Google hiện đang tuyển 2.316 vị trí trên toàn thế giới mặc cho một loạt ông trùm công nghệ lớn như Meta, Twitter, Amazon hay Microsoft thông báo sa thải một lượng lớn nhân sự.
Theo thống kê, Meta, công ty mẹ của Facebook đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương với 13% số nhân sự mà công ty này hiện có, còn Twitter là 50%. Hay gần đây, Amazon cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên, bắt đầu từ cuối tuần này.
Vậy lực lượng lao động, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ phải đối mặt với làn sóng sa thải lớn nhất này như thế nào?
Google mở cánh cửa chào đón người tài mới
Jess Penkhues - nhà tuyển dụng của Google, người phụ trách các chi nhánh tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, đã đưa ra 4 tiêu chí chính mà công ty sử dụng để lựa chọn ứng viên cũng như những yêu cầu cần có cho một bản hồ sơ ứng tuyển đạt chuẩn.
Cô cho biết Google có bao nhiêu sản phẩm, dịch vụ thì sẽ cần tuyển số lượng nhân sự có chuyên môn tương ứng. Ví dụ công ty luôn cần các nhân sự cho vị trí kỹ sư phần mềm, thiết kế trải nghiệm người dùng, quản lý dự án, nhân viên tư vấn hệ thống, chuyên viên tuyển dụng hay là nhân viên bán hàng.
Google cũng chấp nhận các đơn xin việc đến từ các trang web tuyển dụng hoặc từ sự giới thiệu của nhân viên nội bộ. Công ty ưu tiên tiêu chuẩn “kỹ năng là điều kiện tiên quyết” mà không quá quan trọng về bằng cấp hay kinh nghiệm trước đây.
Tips cho hồ sơ ứng tuyển “đạt chuẩn”
Jess Penkhues. Ảnh: Carolina Marcos
Penkhues cho biết các ứng viên không cần nộp thư xin việc vì “hồ sơ ứng tuyển” mới là thứ nhà tuyển dụng quan tâm.
Hồ sơ ứng tuyển cần phải ngắn gọn, dài không quá 1 trang rưỡi đến 2 trang. “Tôi khuyên các ứng viên có tiềm rằng họ nên xem kỹ tin tuyển dụng để điều chỉnh hồ sơ sao cho phù hợp với các yêu cầu mà vị trí đó cần”, cô cũng nói thêm. Ví dụ, những ứng viên ứng tuyển vị trí phát triển phần mềm nên thể hiện đâu là ngôn ngữ lập trình mà họ thành thạo nhất.
Với mẹo thứ 2, trong một lần nhận phỏng vấn với tờ Business Insider, Emily Salkey-người quản lý chương trình tại Google đã nói rằng các ứng viên nên sử dụng công thức X-Y-Z để có một bản hồ sơ gây ấn tượng. Đây là công thức do Laszlo Bock, cựu phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động nhân sự của Google đã nghĩ ra. Công thức này gợi ý các ứng viên nên trình bày thành tích của họ theo quy tắc: hoàn thành X được đánh giá bằng Y và đạt được bằng cách thực hiện Z. Hay rõ hơn, ứng viên nên bắt đầu với một động từ chủ động, đo lường những gì họ đã đạt được bằng con số, cung cấp cơ sở để so sánh và nêu chi tiết những gì họ đã làm để đạt được mục tiêu của mình.
4 tiêu chí “vàng” Google dùng để chọn ứng viên
Google không có vòng tuyển dụng “Trung tâm đánh giá” (vòng làm việc theo nhóm) mà các ứng viên thường sẽ tham gia 3-5 vòng phỏng vấn khác nhau, theo nhà tuyển dụng Penkhues. 4 tiêu chí dưới đây sẽ là yếu tố quyết định để ứng viên có phù hợp làm việc tại công ty hay không.
Sự phù hợp với công việc: Liệu bạn có kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không?
Khả năng nhận thức chung: Bạn đưa ra quyết định như thế nào, đâu là nguồn thông tin mà bạn cân nhắc và bạn thường đánh giá vấn đề bằng cách nào?
Kỹ năng lãnh đạo: Bạn có khả năng chịu trách nhiệm và tự thúc đẩy bản thân tiến bộ hay không?
Googliness: Bạn sẽ làm gì để khiến công ty trở nên tốt hơn? Bạn làm việc nhóm như thế nào? Bạn giải quyết các nhận xét, phản hồi ra sao?
Nhà tuyển dụng của Google cũng cho biết những người xuất sắc, đáp ứng đủ bốn tiêu chí này không chỉ đủ tiêu chuẩn cho một công việc tại Google mà còn có thể tạo dựng một sự nghiệp lâu dài và thành công trong tập đoàn, đồng thời các tiêu chí này cũng được kỳ vọng sẽ trở thành thước đo để các nhà quản lý phát triển đội ngũ của họ. Để từ đó giúp nhân sự có cơ hội được thăng chức nội bộ.
Mỗi nhân viên tại Google đều có một kế hoạch phát triển cá nhân và các nhà quản lý sẽ làm việc với nhóm của họ để giúp họ phát triển kế hoạch này. Đồng thời cũng có các chương trình học tập để phát triển trình độ chuyên môn và mở rộng các kỹ năng khác cho nhân sự. Đặc biệt, nhân viên của Google đều có cơ hội luân chuyển phòng ban, tiếp xúc với nhiều vị trí trong suốt thời gian họ làm việc tại công ty.
Khi nhiều nhân viên của Big Tech đang loay hoay với cơn bão sa thải thì biết đâu Google có thể sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của họ.
Theo VTV, BI.