Thị trường chứng khoán trải qua năm 2022 với nhiều biến động lớn. Hàng loạt đợt giảm sâu đã khiến VN-Index trở thành chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất kể từ đầu năm. Rất nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng nề, đặc biệt là những F0 thiếu kinh nghiệm.
Chia sẻ tại Talkshow mới đây do Chứng khoán ACBS tổ chức, ông Võ Văn Minh – Giám đốc chi nhánh ACBS CMT8 cho rằng có 3 chiến thuật quan trọng nhà đầu tư cần nhớ trong năm 2023.
Thứ nhất, dùng phương pháp phân tích cơ bản từ trên xuống. Bắt đầu từ vĩ mô đến vi mô sau đó mới chọn nhóm ngành, từ đó chọn lọc những cổ phiếu có nền tảng tăng trưởng tốt.
Để thực hiện được chiến thuật này, vị chuyên gia đưa ra 4 bước thực hiện (1) Nghiên cứu lập trường của Fed vì mỗi động thái của cơ quan này đều tác động rất lớn đến TTCK; (2) Nghiên cứu thông tin vĩ mô thế giới (Mỹ, TQ) vì đây là thị trường xuất khẩu lớn tại Việt Nam. Những chính sách thay đổi sẽ tác động đến nền kinh tế của Việt Nam; (3) Nghiên cứu và chọn nhóm ngành hưởng lợi; (4) Chọn cổ phiếu tốt nhất có thể về mặt tài chính và quản trị.
Thứ hai, xác lập tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư có hiệu suất tốt hơn về dài hạn. Đầu tiên cần xác định các kênh đầu tư đều có rủi ro, song mỗi lần thua lỗ sẽ cần hiệu suất gấp đôi để khắc phục rủi ro đó. Cần nhớ việc kiểm soát rủi ro tốt hiệu quả như việc chọn cổ phiếu tốt. Chuyên gia cho rằng nghiên cứu chủ đích đầu tư cổ phiếu là giải pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả nhất.
Thứ ba, áp dụng phương pháp mô phỏng dựa trên bối cảnh tương đồng. Với chiến thuật này, nhà đầu tư có thể so sánh TTCK với các bối cảnh tương đồng như trong quá khứ hay so với các thị trường khác có nét tương đồng.
Ví dụ, nhìn lại quá khứ, đà giảm mạnh của thị trường năm 2022 rất giống với thời điểm khủng hoảng hệ thống ngân hàng 2012 khi định giá đều rơi về mức rất thấp. Tuy vậy, khi khủng hoảng qua đi cũng là thời điểm VN-Index bứt phá mạnh đến 200% trong 6 năm tiếp theo. Do đó, nhà đầu tư cần định hình thị trường trong dài hạn chứ không chỉ nhìn biến động ngắn hạn.
Một ví dụ khác khi so sánh với thị trường ngang hàng. Với TTCK Indonesia, năm 2012 được xếp hạng Baa3, khi chính thức được nâng hạng đã bứt phá mạnh mẽ đến 300%. Tương tự với Philippines, TTCK cũng được xếp hạng Baa3 vào năm 2013, vài năm sau khi chính thức được nâng hạng cũng tăng xấp xỉ 300%.
Nhìn nhận bối cảnh hiện tại, ông Võ Văn Minh cho rằng xuất hiện nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho TTCK. Đơn cử như việc giá xăng dầu thế giới đã giảm hơn 30%, Trung Quốc đang nới lỏng chính sách kiểm soát Covid để mở cửa nền kinh tế hay nhiều dự báo đánh giá chính sách lãi suất của Fed đã gần chạm đỉnh,..
Mặt khác, vĩ mô cũng khá ổn định khi kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Chính phủ quyết liệt cải cách hành chính, tăng mạnh đầu tư công 10-12 tỷ USD/năm và mở rộng quỹ đất KCN lên đến 210 nghìn ha vào 2030. Điều này sẽ thu hút tối đa ngoại lực, FDI chất lượng cao.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ACBS cho rằng triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, mặc dù có lẽ phải đến nửa cuối năm do những khó khăn vĩ mô dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong đầu năm 2023.
ACBS đưa ra ba kịch bản cho VN-Index vào cuối năm 2023.
Trong kịch bản cơ sở , đội ngũ phân tích giả định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong khoảng 8-10%. Tâm lý thị trường sẽ cải thiện hơn so với hiện tại với bội số thị trường tăng lên, các nỗ lực chống tham nhũng sẽ giảm bớt và thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa.
Do tâm lý trầm lắng kéo dài trong thời gian gần đây khiến trong ngắn hạn thị trường khó có thể quay trở lại mức định giá lịch sử. Chỉ số VN-Index có thể sẽ giao dịch quanh mức 1.300 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng với P/E kỳ vọng 2023 khoảng 9,3 lần.
Kịch bản lạc quan dựa vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023, thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào mạnh mẽ cũng như các vấn đề tín dụng mà thị trường gặp phải sẽ được giải quyết. VN-Index tăng lên khoảng 1.550 điểm vào cuối năm.
Trong kịch bản bi quan, ACBS nhận thấy những lo ngại về lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ diều hâu và kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và chiến lược zero COVID ở Trung Quốc tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong kịch bản này, thu nhập chỉ đạt mức tăng trưởng từ trung bình đến khiêm tốn và tâm lý thị trường duy trì ở mức thấp trong suốt cả năm với bội số thị trường trong khoảng 9-10x trong khi các kênh đầu tư khác được nhà đầu tư ưa chuộng hơn khiến chỉ số gần như đi ngang khi kết thúc năm 2023.