3,79% nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý

Hoàng Anh | 14:57 28/12/2021

Tính đến ngày 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020 và tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020.

3,79% nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý
Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại cuộc Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra ngày 28/12. 

Ông Đào Minh Tú còn cho biết, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Báo cáo về tình hình nợ xấu, ông Đào Minh Tú thông tin, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%; nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý là 3,79%; nợ xấu nội bảng cùng với nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 là 8,2%.

Báo cáo về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 20/12/2021 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố cụ thể, chi tiết thông tin về việc các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp để cộng đồng tự đánh giá về ngân hàng nào lãi nhiều trong khi giảm lãi suất ít...”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc thu mua lúa gạo tại khu vực đồng bằng Sông Cửu long.

Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục dược triển khai quyết liệt, hiệu quả. Theo đó, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Nói về chính sách tiền tệ năm 2022, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
3,79% nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO