3/4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã đổi tên, vì sao đều trở thành ngân hàng số?

Quang Hưng | 10:30 17/02/2025

DongA Bank đổi tên thành Vikki Bank, OceanBank thành MBV, CB thành VCBNeo. Tất cả đều có cùng định hướng phát triển thành ngân hàng số.

3/4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã đổi tên, vì sao đều trở thành ngân hàng số?

Ngày 14/2 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) đã phát đi bố cáo về việc đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank). Đồng thời, trụ sở chính của DongA Bank (nay là Vikki Bank) sẽ chuyển về số: 72 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 17/1/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc DongA Bank cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank). Sau khi được chuyển giao bắt buộc, DongA Bank sẽ là Ngân hàng TNHH một thành viên do HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Tự giới thiệu trên website, Vikki Bank cho biết là một ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại nhất với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm, du lịch, mua sắm… không giới hạn. Ngân hàng số Vikki ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất và mạng lưới rộng khắp giúp cung cấp trải nghiệm khách hàng hiện đại, thuận tiện và an toàn, bảo mật tuyệt đối.

"Linh hồn" của Vikki Bank là siêu ứng dụng Vikki. Đây là sản phẩm là sản phẩm cải tiến được phát triển bởi HDBank và Công ty Cổ phần Galaxy FinX. Vikki cung cấp dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn miễn phí, nhanh chóng và dễ dàng với các sản phẩm dịch vụ đa tiện ích và đột phá.

Vikki Bank không phải là ngân hàng duy nhất đổi tên và chuyển hướng sang mảng ngân hàng số sau khi bị chuyển giao bắt buộc. Trước đó, OceanBank (nay là MBV) và CB (nay là VCBNeo) cũng có những động thái thương tự.

Từ ngày 17/1, Ngân hàng Xây dựng (CB) đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ Số (VCBNeo). Việc này diễn ra sau khi CB chính thức được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank từ 17/10. Đồng thời, Vietcombank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên (kiêm nhiệm) CB và cử biệt phái nhiều lãnh đạo chi nhánh sang VCBNeo giữ các vị trí quan trọng.

Từ ngày 18/12/2024, Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) cũng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV). Trước đó, ngày 17/10/2024, Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank nay là MBV) đã được chuyển giao về MB và trở thành một thành viên mới của MB Group.

Như vậy, hiện chỉ còn duy nhất GPBank chưa đổi tên và công bố chiến lược phát triển sau khi được chuyển giao bắt buộc về VPBank.

Vì sao lại là ngân hàng số?

Với khoảng 70 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% dân số, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 tại châu Á. Thống kê của Statista cũng chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản số nhất thế giới trong năm 2021.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và ghi nhận hơn 17 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024. Những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số.

Ngân hàng số hiện nay cũng không còn là khái niệm quá lạ lẫm với nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam trong giai đoạn kỷ nguyên số 4.0. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021 có đến hơn 42% các ngân hàng cho rằng phát triển ngân hàng số là mục tiêu dài hạn để hướng đến trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng số Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, các ngân hàng số hiện nay thường được phát triển dựa trên nguồn lực có sẵn của các ngân hàng truyền thống, tập trung vào phát triển công nghệ nhằm đem đến cho khách hàng sự thuận tiện trong giao dịch trong một ứng dụng ngân hàng số.

Mặt khác, theo quy định, mỗi ngân hàng số phải được bảo trợ bởi một ngân hàng truyền thống tại Việt Nam. Và với nền tảng vốn có như mạng lưới giao dịch, cơ sở khách hàng, cùng với sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ cũng như NHNN, các nhà băng bị chuyển giao bắt buộc rất thích hợp để phát triển thành một ngân hàng số hiện đại, trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng mẹ.

Theo lãnh đạo HDBank, ngân hàng này sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ Vikki Bank củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng Vikki Bank trở thành ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công nhân viên ngân hàng, mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng và đối tác.

Trong thông cáo phát đi sau khi đổi tên, MBV cũng khẳng định sẽ mang đến những giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của VCBNeo, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã triển khai một số giải pháp tích cực đối với VCBNeo sau khi nhận chuyển giao và định hướng tương lai phát triển của VCBNeo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - nhận định VCBNeo sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời cũng khẳng định cam kết hỗ trợ tối đa mà Vietcombank sẽ dành cho VCBNeo trong giai đoạn mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
3/4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã đổi tên, vì sao đều trở thành ngân hàng số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO