24 tuổi còn nợ nần, 34 tuổi điều hành công ty doanh thu hơn 2,7 tỷ đồng, vẫn duy trì nguồn thu nhập thụ động 650 triệu đồng: Bí quyết hóa ra cực đơn giản

Lưu Ly | 00:04 25/02/2023

Người phụ nữ từng phải làm bồi bàn để trả nợ sinh viên, giờ đây điều hành công việc kinh doanh 100.000 USD và kiếm tới 27.000 USD từ thu nhập thụ động

24 tuổi còn nợ nần, 34 tuổi điều hành công ty doanh thu hơn 2,7 tỷ đồng, vẫn duy trì nguồn thu nhập thụ động 650 triệu đồng: Bí quyết hóa ra cực đơn giản


Gần 10 năm trước, Kara Perez còn đang loay hoay trong khoản nợ 30.000 USD. Giờ đây, chỉ riêng khoản thu nhập thụ động của cô đã lên tới 27.000 USD.

Kara Perez là nhà sáng lập công ty giáo dục tài chính Bravely Go. Sau khi trả hết 30.000 USD nợ sinh viên, cô ấy đã xây dựng một công việc kinh doanh từng bước mang lại lợi nhuận hàng trăm nghìn USD, hơn cả là một cộng đồng nơi phụ nữ trao quyền cho nhau để tạo ra những thay đổi lớn về tài chính. Dưới đây là chia sẻ của Kara về hành trình của mình:

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2011, tôi mang khoản nợ sinh viên lên tới 30.000 USD và phải làm công việc bồi bàn bán thời gian với mức lương 19,50 USD mỗi tiếng.

Khoảng thời gian khó khăn đó khiến tôi nhận ra rằng mình cần nhanh chóng tìm ra con đường tài chính của bản thân. Tôi không muốn tiếp tục mang nợ và sống chỉ với 19.000 USD một năm, vì vậy tôi bắt đầu học mọi thứ có thể về tài chính cá nhân.

Một phần nhờ vào một số công việc phụ và chi tiêu tiết kiệm, cuối cùng tôi đã trả hết nợ. Tôi cũng xây dựng một nền tảng giáo dục có tên Bravely Go, ở đó tôi giúp phụ nữ tạo thói quen kiếm tiền bền vững và xây dựng sự giàu có thông qua các hội thảo, khóa học số và các buổi trò chuyện.

Giờ đây, ở tuổi 34, tôi điều hành một doanh nghiệp mang lại hơn 100.000 USD doanh thu và 27.000 USD thu nhập thụ động mỗi năm. Vậy tôi đã làm điều đó như thế nào:

1. Chia sẻ câu chuyện của mình để giúp bản thân có trách nhiệm hơn

Một trong những điều quan trọng nhất giúp tôi xoay chuyển tình hình tài chính của bản thân chính là viết blog về nó, đặc biệt là trong giai đoạn trả nợ.

Ngoài công việc phục vụ ăn uống, tôi còn nhận các công việc part-time như quản lý mạng xã hội, huấn luyện viên bóng vợt ở trường trung học và viết lách tự do. Tất cả những công việc đó mang lại từ 900 USD đến 1.700 USD một tháng và tôi đã làm việc khoảng 50 giờ một tuần.

Vào năm 2015, tôi đã trả hết nợ nhưng vẫn tiếp tục viết blog. Tôi bắt đầu kiếm tiền từ nó vào năm 2017 thông qua việc bán sản phẩm và một số bài đăng được tài trợ.

Việc tôi chia sẻ mục tiêu, thành công và thất bại đã giúp những phụ nữ khác cũng cảm thấy thoải mái khi nói về những khó khăn tài chính của chính họ.

2. Giữ chi phí kinh doanh ở mức thấp và tách biệt với chi tiêu cá nhân

Trong giai đoạn chuẩn bị ra mắt Bravely Go vào năm 2017, tôi đã đặt tất cả số tiền khởi nghiệp của mình vào một tài khoản chuyên dụng để không bị cám dỗ sử dụng chúng vào mục đích cá nhân nào khác.

Tôi đã chi 12 USD cho tên miền và 50 USD cho dịch vụ lưu trữ trang web trong một năm. 308 USD khác được dùng để thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Texas, nơi tôi sống vào thời điểm đó.

Và 900 USD dành cho việc thuê một luật sư soạn thảo các điều khoản dịch vụ của trang web, chính sách bảo mật và hợp đồng sử dụng cho các nhà tài trợ. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn không tiếc số tiền đã bỏ ra sớm cho sự trợ giúp pháp lý đó.

3. Tạo ra các công cụ học tập dễ hiểu để giúp giải quyết các vấn đề tài chính phổ biến

Ngoài các dịch vụ huấn luyện, tôi hiện đang cung cấp hai khóa học — một khóa học về đầu tư bền vững và một khóa học bao gồm các kiến thức cơ bản về đầu tư.

Sản phẩm chính của tôi là sổ ngân sách dành cho cá nhân, sau đó là sổ dành cho các cặp đôi muốn kết hợp tài chính. Ý tưởng cho tất cả những dịch vụ này xuất phát từ những câu hỏi mà độc giả đã hỏi tôi.

Mục tiêu của tôi là luôn cung cấp nội dung giáo dục dễ tiếp cận, đơn giản và dễ làm theo. Đặc biệt, việc lập ngân sách có thể khó khăn vì có rất nhiều thông tin kiểu “một đáp án cho mọi bài toán”. Còn tôi muốn tạo ra thứ gì phù hợp với giá trị và hoàn cảnh của những người đang gặp khó khăn trong việc duy trì ngân sách, có thể giúp đỡ họ hiệu quả.

4. Đầu tư vào những loại tài sản giúp công việc kinh doanh phát triển

Tôi đã chi 1.450 USD để thành lập và vận hành công ty, và kiếm lại được số tiền đó ngay trong tháng thứ hai hoạt động.

Theo thời gian, tôi đã đầu tư nhiều hơn vào các công cụ giúp doanh nghiệp của mình mở rộng, chẳng hạn như công nghệ video tốt hơn để tạo nội dung trên YouTube, các nền tảng công nghệ như Zoom để dễ dàng liên lạc và trả lương cho các nhân viên bán thời gian.

Gần một thập kỷ trước, tôi còn là một phụ nữ độc thân với thu nhập thấp đang cố gắng thoát khỏi nợ nần và dường như không có nguồn lực hữu hình nào dành cho mình. Giờ đây, thật vui khi được trở thành nguồn động viên và niềm tin cho những người đang trải qua những điều tương tự.

Theo CNBC
Copy Link

(0) Bình luận
24 tuổi còn nợ nần, 34 tuổi điều hành công ty doanh thu hơn 2,7 tỷ đồng, vẫn duy trì nguồn thu nhập thụ động 650 triệu đồng: Bí quyết hóa ra cực đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO