20 triệu luật sư thời AI đối mặt sa thải: 44% công việc pháp lý được tự động hóa, 77% tin rằng các hãng luật sẽ cắt giảm lớn trong 5 năm tới

Băng Băng | 08:00 11/05/2025

Hàng trăm triệu giờ làm việc mỗi năm của luật sư đang bị AI tự động hóa. Một công cụ AI có thể quét hồ sơ nhanh gấp 58 lần luật sư thực tập.

20 triệu luật sư thời AI đối mặt sa thải: 44% công việc pháp lý được tự động hóa, 77% tin rằng các hãng luật sẽ cắt giảm lớn trong 5 năm tới

Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và công cụ tự động hóa quy trình, đã khiến nhiều công việc lặp đi lặp lại trong lĩnh vực pháp lý như xem xét tài liệu (document review), phân tích hợp đồng, tra cứu án lệ… giờ đây đều có thể được máy móc đảm nhiệm với tốc độ và độ chính xác đáng kinh ngạc.

Theo các báo cáo của Thomson Reuters và Harvard Law, AI có thể thay thế tới 44% khối lượng công việc pháp lý hiện nay, tương đương hàng trăm triệu giờ làm việc mỗi năm.

Song song đó, một khảo sát của American Bar Association (ABA) cho thấy tỉ lệ các tổ chức pháp lý áp dụng AI tăng từ 11% năm 2023 lên 30% năm 2024, với 77% luật sư tin rằng AI sẽ tạo ra "tác động cao" hoặc "biến đổi" ngành trong 5 năm tới.

Bối cảnh này đặt ra cả cơ hội lớn cho hiệu suất làm việc và đào tạo luật sư trẻ, nhưng đồng thời cũng khơi dậy lo ngại về việc AI có thể thay thế hoàn toàn những công việc truyền thống, thậm chí "cướp" mất vị trí của luật sư trong tương lai không xa.

Báo cáo của Law Gazette ước tính tổng lực lượng lao động ngành pháp lý (gồm luật sư, trợ lý luật và nhân sự hỗ trợ) khoảng 20 triệu người.

Nỗi lo của 20 triệu người

Tờ Forbes cho hay trong hai năm qua, các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4, Claude hay LLaMA liên tục được cải tiến, cho phép AI không chỉ hiểu mà còn tự động tạo văn bản pháp lý, phân tích hợp đồng phức tạp, thậm chí dự báo kết quả kiện tụng trên cơ sở dữ liệu án lệ và quy định hiện hành.

Đồng quan điểm, tờ Financial Times (FT) nhận định các công cụ như Harvey (Counsel AI), Lantern (Minter Ellison), Garfield AI (văn phòng luật ảo ở Anh) ngày càng được hoàn thiện với khả năng xử lý hàng nghìn trang tài liệu mỗi giờ, vượt xa năng suất con người.

Khảo sát của Embroker tháng 3/2025 thì cho thấy 78% văn phòng luật lớn vẫn còn e ngại áp dụng AI do lo ngại bảo mật và trách nhiệm pháp lý, nhưng 65% luật sư cá nhân khẳng định AI đã giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu quả.

Nhiều hãng luật lớn như Allen & Overy và Shearman & Sterling cũng công bố các dự án AI nội bộ, tuy nhiên họ khẳng định AI chỉ là công cụ hỗ trợ còn con người mới là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Hãng tin Reuters thì cho hay tại các văn phòng lớn trên 100 luật sư, khoảng 46% đã đã triển khai AI, tăng từ 23% năm 2022. Tỷ lệ này là 39% ở các văn phòng 50-100 người và 20% cho các hãng luật nhỏ dưới 50 người.

Khảo sát của Hiệp hội luật sư Mỹ (ABA) năm 2024 thì cho thấy 31% luật sư cá nhân đã và đang dùng AI trong công việc hàng ngày, tăng từ 27% năm 2023, trong khi 21% cho biết nơi họ làm việc chính thức áp dụng AI .

Đặc biệt hơn, khoảng 64% luật sư khẳng định AI cải thiện hiệu quả công việc, nhưng 52% lo ngại vấn đề phí bản quyền dữ liệu và trách nhiệm sai sót nếu AI hỗ trợ không chính xác.

Cũng theo ABA, khoảng 54% luật sư dùng AI để soạn thảo email, báo cáo, hợp đồng sơ bộ.

Tại Anh, gần 90% trong Top 100 công ty luật lớn đã thử nghiệm hoặc triển khai AI, tăng mạnh so với 55% năm 2023.

Rõ ràng dù còn một số lo ngại nhưng AI đang thay đổi nghề luật sư ở mức độ chưa từng thấy.

Theo báo cáo của Lexpert (Canada), vị trí luật sư thực hiện nhiệm vụ xem xét tài liệu (document review) là công việc chịu rủi ro tự động hóa cao nhất với điểm rủi ro 6.75/10.

Ví dụ tại Australia, công cụ Lantern của Minter Ellison có thể quét 3.500 tài liệu/giờ, gấp 58 lần so với phương pháp thủ công cần đến luật sư thực tập thực hiện.

Mặt khác việc tìm kiếm và tổng hợp án lệ, quy định vốn chiếm 30-40% thời gian của các luật sư trẻ giờ đây được AI đảm nhận trong tích tắc.

Báo cáo của Thomson Reuters ước tính các công cụ AI giúp tiết kiệm trung bình 4 giờ làm việc/tuần cho mỗi luật sư, tương đương 100.000 USD doanh thu khả dụng thêm mỗi năm.

Ngoài ra các mô hình ngôn ngữ lớn còn có thể tạo ra bản nháp hợp đồng, điều khoản, thư từ, thậm chí là phản hồi cấp độ sơ bộ cho bên đối phương. Nghiên cứu của Harvard Law cho biết AI đã giảm thời gian soạn thảo ban đầu từ 16 giờ xuống chỉ còn 3-4 phút trong một số vụ kiện dân sự.

Tranh cãi

Mặc dù ngày càng được dùng phổ biến nhưng tranh cãi về đạo đức và pháp lý cũng nổ ra khi AI tham gia hệ thống pháp lý, vốn là ngành cần sự tỉ mỉ, chính xác và minh bạch cao.

Mới đây, hãng tin CNN nhận định phiên tòa xử vụ Christopher Pelkey bị sát hại tại Arizona đã mở ra một trang mới trong lịch sử tư pháp khi gia đình anh sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để tạo một video tái hiện hình ảnh và giọng nói của Pelkey trong phiên tuyên án ngày 1/5/2025.

Việc thẩm phán công nhận bằng chứng này đã gây ra rất nhiều tranh cãi về tính đạo đức, pháp lý xung quanh "hình nhân AI" trong tòa án.

Trong khi đó, nhiều tòa án ở Australia đã yêu cầu luật sư phải kê khai thông báo khi sử dụng AI trong chứng cứ tố tụng, còn bang New South Wales thì cấm hoàn toàn việc nộp lời khai, bản tường trình do AI tạo cho dù chúng hoàn toàn chính xác.

Đồng quan điểm, nghiên cứu của Embroker cảnh báo 78% văn phòng luật hiện vẫn còn lo ngại về bảo mật dữ liệu và trách nhiệm khi AI sai sót trong quá trình tố tụng.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia Julian Taylor của Simmons & Simmons cho rằng AI sẽ giảm bớt khối lượng công việc lặp đi lặp lại của luật sư cấp thấp nhưng không làm giảm tổng số nhân sự luật sư, thay vào đó sẽ đòi hỏi luật sư phải thích nghi với vai trò chiến lược và giám sát AI.

Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang xây dựng quy định yêu cầu chứng cứ AI phải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy tương đương nhân chứng chuyên môn.

Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo các công việc liên quan dữ liệu lớn như tìm kiếm hồ sơ pháp lý sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có nguy cơ thay thế con người nếu không kịp tái đào tạo.

Tuy nhiên, các vai trò đòi hỏi tương tác con người, trình bày trước tòa hay xây dựng chiến lược dài hạn vẫn cần kỹ năng "mềm" và thẩm quyền của luật sư.

Rõ ràng, xu hướng AI thay thế một phần khối lượng công việc truyền thống của luật sư là không thể đảo ngược.

Trong khi những công việc lặp lại đang dần được giao cho máy móc, thì con người phải định hình lại vai trò của mình: trở thành người đánh giá, điều phối và tư vấn chiến lược, đồng thời tích cực tham gia vào khâu giám sát, đảm bảo tính chính xác và đạo đức trong ứng dụng AI.

Khi đó, thay vì lo sợ "bị thay thế", luật sư có thể nắm bắt cơ hội để nâng cao giá trị nghề nghiệp và mở ra những con đường phát triển mới.

*Nguồn: Reuters, CNN, FT


(0) Bình luận
20 triệu luật sư thời AI đối mặt sa thải: 44% công việc pháp lý được tự động hóa, 77% tin rằng các hãng luật sẽ cắt giảm lớn trong 5 năm tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO