Theo tờ Forbes, TikToker Gigi Juliana với 137.000 người theo dõi đã cổ xúy các cô gái trẻ đi hiến trứng kiếm tiền nhanh.
Cụ thể, TikToker mới 19 tuổi này cách đây vài tuần đã đăng trên TikTok về việc hiến trứng cho những cặp đôi hiếm muộn là một cách làm giàu nhanh chóng mà không đau đớn hay khó khăn.
"Một cô gái mà tôi biết nói rằng đã nhận được 20.000 USD nhanh chóng nhờ việc hiến trứng và tôi đã đi tìm hiểu xem điều này có đúng sự thật", TikToker Juliana cho biết khi nói rằng việc hiến trứng cũng tương tự các thủ thuật phẫu thuật xâm lấn như ở các spa y tế.
Bởi vậy Juliana cho rằng đây là cách làm giàu bình thường khi cổ xúy việc hiến trứng cho các cặp đôi hiếm muộn.
Bài đăng này đã thu hút 24 triệu lượt xem và 18.000 bình luận, 4 triệu lượt thích và hàng trăm nghìn lượt chia sẻ.
Nhiều người dùng mạng còn đùa rằng họ muốn hiến trứng để mua xe mới, đi nghỉ mát hoặc kiếm nhiều tiền.
Về lý thuyết, những người hiến trứng có thể kiếm được khoảng 12.000 USD cho mỗi chu kỳ, một số thậm chí kiếm được đến 25.000 USD. Nhiều người hiến tặng thường xuyên có thể kiếm đến 70.000 USD cho nhiều chu kỳ.
Thế nhưng câu chuyện không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Vô đạo đức
Câu chuyện của Juliana đang tạo nên sự tranh cãi mạnh mẽ trên cộng đồng mạng. Nhiều người sinh ra bằng tinh trùng hoặc trứng hiến tặng đã vận động để pháp luật Mỹ bảo vệ tốt hơn những đứa trẻ được thụ thai kiểu này.
Đầu tiên, việc hiến tặng bừa bãi có thể làm gia tăng nguy cơ loạn luân ngoài ý muốn, nhất là khi đối tượng đi hiến tặng ở cùng một khu vực địa lý.
Khác với nhiều nước, Mỹ không có luật liên bang nào hạn chế số lượng hiến tặng mà một người có thể thực hiện mà chỉ có khuyến nghị từ Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM), một tổ chức phi lợi nhuận.
Việc hiến tặng bừa bãi này không chỉ làm gia tăng rủi ro loạn luân mà còn tác động cả về tâm lý khi những đứa trẻ này phát hiện sự thật.
Ngoài ra, hậu quả về sức khỏe lâu dài hay các bệnh tiềm ẩn với người hiến tặng là rất lớn. Những người hiến tặng nhiều lần sẽ phải tự tiêm cho bản thân một lượng hormone cao trong thời gian dài khi tiến hành hiến tặng.
Hiện chưa có một nghiên cứu kỹ lưỡng nào về tác hại của tiến trình tiêm hormone này trong thời gian dài và chính sự lờ đi của các TikToker đã khiến người trẻ hiểu nhầm về cách làm giàu nhanh trên.
Tổ chức ASRM cảnh báo những người đi hiến tặng cần ít nhất 21 tuổi và nếu trẻ hơn thì cần trải qua một liệu trình đánh giá tâm lý, chứ không dễ dàng như những gì TikToker Juliana nói. Bản thân TikToker này cũng chỉ mới 18 tuổi khi lập kênh nội dung và chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm để nói về vấn đề có thể tạo nên hậu quả cực lớn trên.
Bên cạnh đó, những khoản thu nhập lớn từ hiến tặng sẽ khiến nhiều người hiến tặng nói dối lịch sử hoặc không cung cấp thông tin trong đơn đăng ký, tạo nên những lỗ hổng làm gia tăng nguy cơ an toàn sức khỏe cộng đồng cũng như rủi ro loạn luân.
Một bộ phim tài liệu của Netflix gần đây đã nói về một nam giới đã liên tục nói dối lịch sử hiến tặng, qua đó "bán" tinh trùng cho hàng trăm gia đình trên toàn cầu trước khi tòa án Hà Lan cấm người này làm như vậy.
Thông thường, những người hiến tặng sẽ phải trải qua các xét nghiệm di truyền cơ bản nhưng phần lớn các ngân hàng trứng và tinh trùng lại không kiểm tra thực tế hồ sơ của những người này.
"Tất cả những TikToker có suy nghĩ kiếm tiền nhanh kiểu này đều không nghĩ đến lâu dài. Đây không phải như một quả trứng bày trên đĩa để bán mà là sẽ trở thành một con người hoàn chỉnh. Con người hoàn chỉnh đó sẽ xem video này và họ sẽ nghĩ sao?", TikToker Laura High với 700.000 người theo dõi phản bác.
Bà High ủng hộ việc thụ thai bằng trứng hiến tặng một cách có đạo đức, nhưng truyền thông đang che giấu đi những mặt phi đạo đức của chúng.
Chỉ một tuần sau bài đăng của Juliana, TikToker này đã đăng bài quảng cáo có trả tiền cho một ngân hàng trứng tại South California.
"Đây là lần đầu tiên mà tôi nói về một chủ đề mà không nghiên cứu kỹ trước khi đăng. Sau khi đọc các bình luận, tôi nhận ra rằng các điều kiện đủ để được hiến trứng khá nghiêm ngặt đến mức chính bản thân tôi cũng không đủ tiêu chuẩn", TikToker Juliana trả lời tờ Forbes qua email.
Lệch lạc
Giới truyền thông và mạng xã hội ngày nay đang bình thường hóa các phương pháp thụ tinh nhân tạo, mang thai hộ hay hiến tặng trứng và tinh trùng cho cặp đôi hiếm muộn hay đồng giới.
Thế nhưng tờ Forbes nhận định việc bình thường hóa này lại tạo ra hậu quả không mong muốn, đó là biến một quy trình y tế cẩn trọng, có rủi ro thành một thứ chẳng có gì to tát và dễ kiếm tiền.
Tổ chức ASRM cho hay dù hiến tặng trứng có rủi ro thấp nhưng vẫn có và thậm chí là nghiêm trọng. Một số người hiến trứng có thể mắc phải "hội chứng quá kích buồng trứng", khi các loại thuốc nội tiết tố và các thủ thuật lấy trứng khiến buồng trứng của người hiến tặng bị sưng quá mức dẫn đến đau bụng dữ dội, khó thở, nôn mửa và tăng cân nhanh chóng khiến họ phải nhập viện.
Các biến chứng cấp tính như nhiễm trùng, chảy máu, mất buồng trứng hoặc tổn thương cơ quan sinh sản khác cũng có thể đe dọa đến khả năng mang thai của chính người hiến tặng và lúc đó chẳng biết ai sẽ là người thanh toán tiền điều trị khi sự cố xảy ra.
Hiện Mỹ có rất ít quy định chặt chẽ cho mảng hiến trứng hoặc tinh trùng này. Dù ASRM đại diện cho ngành đã ban hành các hướng dẫn về đạo đức nhưng việc tuân thủ chúng như thế nào và có tuân thủ hay không lại tùy thuộc vào những người cung cấp dịch vụ.
Trước tình hình này, nhiều tiểu bang đã ban hành luật nhằm siết chặt thị trường hiến tặng.
Năm 2022, Colorado trở thành tiểu bang đầu tiên và duy nhất trong cả nước cấm hiến tặng tinh trùng và trứng ẩn danh, nghĩa là trẻ em được quyền biết danh tính của người hiến tặng khi đủ 18 tuổi. Đồng thời bang này cũng giới hạn số lần hiến tặng không được quá 25 gia đình và số lần hiến tặng trứng không quá 6 chu kỳ.
Độ tuổi thấp nhất của người hiến tặng tại Colorado phải là 21 và phải cập nhật hồ sơ bệnh án.
Hiện nhiều chính trị gia đang ủng hộ việc hình sự hóa tình trạng khai gian hồ sơ để hiến tặng, tương tự như những gì mà bộ phim tài liệu Netflix đã thực hiện.
Trong đó, hàng chục bác sĩ chuyên khoa sinh sản tại Mỹ đã bị cáo buộc cấy tinh trùng của mình vào bệnh nhân.
"Đây không phải là một ngành công nghiệp thông thường, chúng ta không tạo ra một cái bàn hay sản xuất một chiếc áo sơ mi mà là cả một con người trưởng thành có suy nghĩ. Bởi vậy chính phủ cần ban hành những quy chuẩn cao nhất", TikToker Laura High nhận định.
*Nguồn: Tổng hợp