Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 5,9%; nhập khẩu tăng 5,2%). Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,95 tỷ USD, tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%.
Trong tháng 10 năm 2023 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó các sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng 26,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng đạt tốc độ tăng cao như: Sữa và sản phẩm sữa đạt 120 triệu USD, tăng 55,9%; xăng dầu đạt 815 triệu USD, tăng 44,8%; ngô đạt 398 triệu USD, tăng 35,4%; sắt thép đạt 989 triệu USD, tăng 35,2%; hạt điều đạt 173 triệu USD, tăng 29,8%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 500 triệu USD, tăng 24,7%.
Thị trường nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 43,3 tỷ USD, giảm 18,3%; nhập khẩu từ ASEAN đạt 33,5 tỷ USD, giảm 14,8%; nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 17,6 tỷ USD, giảm 10,6%; nhập khẩu từ EU đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,4%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,5 tỷ USD, giảm 6,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 9 xuất siêu 2,2 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 21,61 tỷ USD; tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD, gấp 2 lần mức xuất siêu của cả năm 2022 (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.
Hồi tháng 1 năm nay, dù bối cảnh chung sụt giảm nhưng riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh. Cụ thể, hết tháng 1, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 6,56 tỷ USD, giảm 11%, tương ứng giảm 810 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các thị trường nhập khẩu chính, Nhật Bản là thị trường đạt tăng trưởng cao nhất. Trong tháng 1, riêng thị trường Nhật Bản đạt 708 triệu USD, tăng 36,1% (tương ứng tăng 188 triệu USD).
Các thị trường khác là: Hàn Quốc với 2,11 tỷ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 105 triệu USD); Trung Quốc với 1,5 tỷ USD, giảm 36,7% (tương ứng giảm 872 triệu USD); Đài Loan (Trung Quốc) với 853 triệu USD, giảm 21,8% (tương ứng giảm 238 triệu USD)…
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu do Bộ Công thương phát hành năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước hồi năm ngoái đạt trên 81,88 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2021 và chiếm khoảng 22,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Trong tổng số gần 82 tỷ USD nhập máy tính, linh kiện, riêng kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 75,21 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2021 và chiếm 91,85% tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng.
Các thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử gồm có: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, khối ASEAN, khối EU, Hoa Kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chính chiếm trên 96% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.