10 doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất 9 tháng đầu năm 2022

Quỳnh Anh | 16:00 18/11/2022

Khoảng cách giữa 10 doanh nghiệp bán lẻ trong cuộc đua doanh thu có cách biệt rõ rệt, vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về cái tên quen thuộc…

10 doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất 9 tháng đầu năm 2022
10 doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất 9 tháng đầu năm.

Nội dung chính:

  • Thế Giới Di Động tiếp tục giữ vị trí quán quân doanh thu bán lẻ, cách xa các đối thủ còn lại. 
  • Quy mô càng lớn, các doanh nghiệp bán lẻ càng khó cải thiện hiệu quả bán hàng. 

Kết thúc 9 tháng năm nay, Thế Giới Di Động (TGDĐ) vẫn khẳng định vị thế của doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu khi tiếp tục dẫn đầu về doanh thu trong mảng bán lẻ, đạt gần 104 nghìn tỷ đồng. 

Xếp ngay sau là đối thủ quen mặt của TGDĐ trong mảng điện tử và dược phẩm - FPT Retail với mức doanh thu 9 tháng năm nay xấp xỉ 22 nghìn tỷ đồng. 

10 doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất 9 tháng năm nay. (Nguồn dữ liệu: FiinPro) 

Việc soán ngôi đầu dần trở nên khó khăn hơn khi TGDĐ đang có mức doanh thu gấp 5 lần á quân FPT Retail. Thậm chí, tổng doanh thu của 9 doanh nghiệp còn lại trong danh sách cũng thấp hơn doanh thu của TGDĐ

Hai doanh nghiệp phân phối hàng điện tử có tiếng trên thị trường là Digiworld và Petrosetco cũng lần lượt góp mặt ở vị trí thứ 3 và 4. 

Vị trí thứ 5 thuộc về công ty con của Petrosetco - Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD), hoạt động trong lĩnh vực phân phối thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin chuyên phân phối các dòng laptop, điện thoại di động

Doanh thu cao nhất trong mảng bán lẻ đang là cuộc đua của những nhà phân phối hàng điện tử. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao  có thể khiến chi phí của các doanh nghiệp phân phối tăng mạnh. Phần lớn các lô hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD. 

5 vị trí cuối bảng lần lượt thuộc về các doanh nghiệp kém tên tuổi hơn, có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn là công ty nguồn gốc nhà nước, chủ yếu kinh doanh xăng dầu, điện tử gia dụng, dược phẩm, lương thực - thực phẩm. 

Trong đó, Comeco là doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, sở hữu 46 chi nhánh ở khu vực phía Nam, trong đó có 24 cây xăng tại TP.HCM. Con số này còn khá khiêm tốn so với hàng nghìn cây xăng của Petrolimex hay PV Oil. 

Cây xăng COMECO trên đường Bạch Đằng, TP.HCM. (Ảnh: Người Lao Động)

Quy mô càng lớn, càng khó cải thiện hiệu quả bán hàng

Chi phí bán hàng là nhân tố quan trọng tạo ra động lực tăng trưởng doanh thu cho một doanh nghiệp bán lẻ. Chi phí này bao gồm chi phí nhân viên bán hàng, chi phí dịch vụ mua ngoài (thuê/sửa chữa cửa hàng, vận chuyển, tiếp thị, chiết khấu,...), chi phí khấu hao,... 

Chi phí bán hàng của 10 doanh nghiệp bán lẻ trong 9 tháng năm nay. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)

Tỷ trọng Doanh thu/Chi phí bán hàng của doanh nghiệp bán lẻ thể hiện hiệu quả hoạt động thúc đẩy bán hàng - cho thấy mỗi đồng chi phí bán hàng có thể tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu. Đa số các doanh nghiệp bán lẻ thuộc top 10 đều tối ưu hoạt động kinh doanh, nhờ đó tỷ lệ này 9 tháng 2022 đã tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp nhỏ, thì mỗi đồng chi phí bán hàng của các doanh nghiệp lớn thường tạo ra ít doanh thu hơn. 

(Nguồn dữ liệu: FiinPro) 

Để giữ vững vị trí quán quân, TGDĐ đã chi gần 15.200 tỷ đồng cho hoạt động bán hàng trong 9 tháng đầu năm. Riêng chi phí bán hàng của TGDĐ đã vượt xa doanh thu của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Cứ mỗi đồng chi phí bán hàng, TGDĐ có thể tạo ra 6,8 đồng doanh thu, tăng nhẹ 0,1 đồng so với cùng kỳ. 

Thời gian qua, TGDĐ liên tục ra mắt chương trình khuyến mãi tại mọi chuỗi cửa hàng, do đó đẩy chi phí bán hàng tăng cao. Gần như bất kỳ thời điểm nào trong năm, các chuỗi cửa hàng thuộc TGDĐ đều tung ra hàng loạt ưu đãi với màu sắc, câu từ dễ dàng thu hút người dùng. 

Điện Máy Xanh - chuỗi bán lẻ điện máy thuộc TGDĐ liên tục treo những băng rôn với mức giảm giá ấn tượng. (Ảnh: Điện Máy Xanh)

Mới đây, TGDĐ đã thông báo ngừng mở mới cửa hàng ở tất cả các chuỗi (ngoại trừ một số ít cửa hàng thử nghiệm hoặc các cửa hàng mang lại lợi nhuận ngay), đồng thời tiến hành cắt giảm chi phí nhằm bảo vệ dòng tiền hoạt động trong giai đoạn kinh tế khó khăn. 

Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex) - doanh nghiệp xếp cuối trong Top doanh thu lại có tỷ lệ Doanh thu/Chi phí bán hàng cao nhất trong 9 tháng đầu năm. 

Doanh thu 9 tháng năm nay của Afiex tăng đến 90% so với cùng kỳ, trong khi chi phí bán hàng không có nhiều thay đổi. Mỗi đồng chi phí bán hàng bỏ ra, Afiex thu về lần lượt 52,6 và 90,7 đồng doanh thu trong 9 tháng năm 2021 và 2022. 

Ngược lại, FPT Retail, PSD và Xuất nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex) đều ghi nhận tỷ lệ Doanh thu/Chi phí bán hàng giảm. 

Trong khi TGDĐ tuyên bố ngừng mở chuỗi và ghi nhận tỷ lệ Doanh thu/Chi phí bán hàng tăng nhẹ, tình huống trái ngược đang xảy ra ở FPT Retail. 

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, chuỗi FPT Shop có 745 cửa hàng, tăng thêm 98 cửa hàng so với đầu năm. Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm. Chỉ sau 3 quý, FPT Retail đã hoàn thành kế hoạch mở mới cửa hàng của cả năm 2022. 

Một trong những chiến dịch quảng cáo viral của FPT Retail - ông chủ FPT Shop và Nhà thuốc Long Châu. (Ảnh: Chungta.vn)

Việc gấp rút mở cửa hàng và hoàn thành kế hoạch năm trước dự kiến đã kiến chi phí bán hàng của FPT Retail tăng mạnh (79% so với cùng kỳ), trong khi doanh thu chưa kịp tăng tương ứng. 9 tháng đầu năm, cứ mỗi đồng chi phí bán hàng, FPT Retail thu về 9,2 đồng doanh thu. Con số này cùng kỳ 2021 là 10,6 đồng. 


(0) Bình luận
10 doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất 9 tháng đầu năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO