Xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam vẫn gặp khó

Thu Hà | 14:20 10/06/2022

Nhiều thị trường nhập khẩu rau củ quả, đặc biệt là trái cây lớn của Việt Nam đang có những biến đổi rất nhanh chóng. Doanh nghiệp và người sản xuất cần sớm nắm bắt thông tin để điều chỉnh sản xuất và kết hợp chuỗi nhuần nhuyễn để có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu thời gian tới.

Xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam vẫn gặp khó
Doanh nghiệp và người sản xuất cần sớm nắm bắt thông tin để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Nhiều chủng loại rau củ chính giảm mạnh

Năm 2022, sản lượng cây ăn quả chính phía nam ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, sáu tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, sáu tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn tập trung ở các tỉnh như: thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); xoài (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang...); mít (Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai)...

Trong đó, về tình hình phát triển thị trường trong nước, thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước khoảng 68- 70kg/người/năm. Với dân số cả nước hơn 96 triệu người và 15-16 triệu khách du lịch thì đây là khu vực thị trường có sức tiêu thụ tương đối lớn. Về hạ tầng hỗ trợ phân phối tiêu thụ sản phẩm trái cây, hiện có 8.600 chợ, 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại; 1.300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics; 6 trung tâm logistics do các doanh nghiệp đầu tư và quản lý; 1.096 chuỗi nông sản an toàn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 ước tính đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022, chủng loại quả và rau củ có trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Trong đó, trị giá xuất khẩu chủng loại quả đạt 806,4 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Hầu hết các chủng loại quả xuất khẩu chính đều giảm, chỉ có chủng loại quả chuối tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 184,9 triệu USD.

Xuất khẩu chủng loại quả giảm mạnh là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả trong 4 tháng đầu năm 2022.

Mặc dù phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại tại một số cửa khẩu, tuy nhiên hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu rất chậm, chưa thực sự cải thiện nhiều. Cùng với đó, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình thông quan nhằm phòng chống dịch bệnh, vì vậy hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này còn hạn chế.

tri-gia-xuat-khau(1).png
Trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 ước tính đạt 300 triệu USD.

Tiếp theo là chủng loại rau củ xuất khẩu đạt 79 triệu USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hầu hết các chủng loại rau củ chính đều có trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Chủng loại rau củ xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2022 như: Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.

Mặc dù chủng loại sản phẩm chế biến, hoa và lá có trị giá xuất khẩu tăng trong 4 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng của các chủng loại này thấp và trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ chủng loại quả và rau củ.

Theo khảo sát của MarketTimes, giá cả thị trường hôm nay (10/6) ghi nhận, hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ tiếp tục đẩy mạnh giảm giá rau củ quả và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cụ thể, các loại sạch VietGAP hiện đang được bán tại Farmers' Market gồm có: cải bẹ xanh (300g) giá bán 17.700 đồng; rau bồ ngót (300g) giá bán 20.700 đồng; cải bó xôi (300g) giá bán 26.700 đồng; khổ qua (500g) giá bán 27.500 đồng.

Co.op Mart áp dụng ưu đãi dành cho các loại rau củ quả như: cải ngọt baby (300g) và cải ngồng baby (300g) giảm còn 12.500 đồng; rau dền baby (250g) và rau mồng tơi baby (280g) giảm còn 11.500 đồng.

Trái cây nhập khẩu tại Bách Hóa Xanh gồm có: cam vàng Ai Cập với giá 49.000 đồng/kg; lê Nam Phi nhập khẩu và táo đỏ nhập khẩu Mỹ có cùng giá 75.000 đồng/kg; quýt giống Úc với giá 79.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp cần thay đổi để tiếp cận thị trường

Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc vẫn là khó khăn lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ở thời điểm hiện tại.

Mặt khác, theo ý kiến từ một số chủ doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường Trung Quốc đang biến đổi nhanh và không còn "dễ tính" như trước. Chính vì vậy nếu nông sản vẫn canh tác theo thói quen cũ thì khó có thể tiêu thụ được. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.

Qua các hội chợ quốc tế, một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè quốc tế là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực.

Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cũng chia sẻ về câu chuyện phát triển thương hiệu trái cây của Thái Lan từ Hội chợ Thaifex Anuga Asia 2022 vừa qua. Theo đó, giải pháp phát triển nông nghiệp của Thái Lan thay đổi tư duy của người nông dân. Chính họ phải là người tự quyết định sự thành công hay thất bại, họ cần tự trăn trở với chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, họ tổ chức một hệ sinh thái đồng hành xuyên suốt, hỗ trợ, giúp đỡ khó khăn với người dân.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình chung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.

Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp mong muốn các địa phương chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi doanh nghiệp có nhu cầu thì địa phương sẽ cung cấp, tạo thuận lợi trong thu mua sản phẩm xuất khẩu. Mong muốn này xuất phát từ thực tế khi việc cấp mã số vùng trồng còn hạn chế. Cụ thể, tại đồng bằng sông Cửu Long mới có 1.561 mã, chiếm tỷ lệ 30,02%; Đông Nam Bộ có 224 mã, tỷ lệ 5,6%; Tây Nguyên có 168 mã, tỷ lệ 4,2%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam vẫn gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO