Những ngày qua, Elon Musk đã thu hút sự chú ý khi đổi tên Twitter thành “X” và nhấn mạnh tham vọng biến X thành siêu ứng dụng có khả năng xử lý nhiều dịch vụ tài chính trực tuyến.
Tuy ý tưởng xây dựng một siêu ứng dụng có vẻ hấp dẫn đối với những công ty muốn có thêm cách kiếm tiền và phát triển cơ sở người dùng nhưng việc này được đánh giá là nói dễ hơn làm, ngay cả trong khoảng thời gian vài năm chứ chưa nói đến vài tháng như tuyên bố của Musk.
Đến nay, chưa ứng dụng nào có thể trở thành siêu ứng dụng tại Mỹ dù không ít công ty từng có ý tưởng này, bao gồm PayPal, Snap (công ty mẹ của Snapchat) và Block (công ty của người đồng sáng lập Twitter, Jack Dorsey).
Câu chuyện trên lại khác ở châu Á, nơi ứng dụng WeChat của gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent được coi là siêu ứng dụng nguyên mẫu và được sử dụng để làm mọi thứ, từ gọi xe, đặt đồ ăn, mua sắm trên sàn thương mại điện tử đến thanh toán di động và thậm chí cả thực hiện các dịch vụ của chính phủ.
Thời điểm hình thức này phổ biến ở châu Á, người tiêu dùng phương Tây đã quen sử dụng một loạt các ứng dụng và trang web khác nhau để thực hiện những việc đó. Ngoài ra, thẻ tín dụng cũng phổ biến hơn ở phương Tây, khiến dịch vụ thanh toán di động trở nên ít cần thiết hơn. Điều này khiến việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.
Một nhà phân tích nhận định: “WeChat ra đời năm 2011, ở một quốc gia lần đầu tiên số hóa và chủ yếu thông qua smartphone. Như vậy, ứng dụng này gần như không vấp phải sự cạnh tranh từ các trang web, thẻ tín dụng hay các ứng dụng đa dạng như hiện nay”.
Theo vị chuyên gia, X tồn tại với bối cảnh nếu WeChat ra đời trong thời điểm hiện tại, ứng dụng này có thể sẽ không tiếp cận được bất kỳ người dùng nào.
Một thách thức khác của Musk là việc cung cấp các dịch vụ tài chính có nghĩa là X sẽ phải đối mặt với nhiều quy định hơn bao giờ hết đối với vấn đề kiểm duyệt nội dung.
Theo Wall Street Journal, các công ty cho vay hoặc chuyển tiền phải chịu sự giám sát của một số cơ quan tiểu bang và liên bang, đồng thời họ phải đối mặt với hình phạt nếu không tuân thủ quy tắc về ngăn chặn rửa tiền và hoàn trả tiền bị gian lận cho người dùng.
Trong vài tháng qua, X đã xin giấy phép ở các tiểu bang của Mỹ để hoạt động như một công cụ chuyển tiền, một số nhà quản lý và nguồn tin thân cận tiết lộ.
Đến nay, công ty đã xin được giấy phép ở ít nhất 4 tiểu bang là Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire. Các chuyên gia trong ngành cho biết việc được cấp phép trên khắp nước Mỹ có thể mất tới một năm hoặc hơn.
Trên thực tế, X không phải là công ty truyền thông xã hội đầu tiên lấn sân sang mảng thanh toán. Năm 2019, Facebook đã giới thiệu dự án tiền số Libra (sau đó được đổi tên thành Diem) với mục tiêu giúp hàng tỷ người dùng của mạng xã hội này (bao gồm những người không có tài khoản ngân hàng) dễ dàng thanh toán khi mua hàng trực tuyến và chuyển tiền.
Tuy nhiên, Diem đã không thành công. Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới lo ngại nền tảng này có thể bị lạm dụng bởi những kẻ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cuối cùng, dự án đã phải đóng cửa vào đầu năm 2022.
Tương tự, PayPal, Snap, và Block đều đã thất bại với các dự án thanh toán trực tuyến. Chính vì thế, đây được coi là “tử địa” khiến hàng loạt ông lớn công nghệ thất bại.
Morgan Beller, cựu nhân viên của Facebook và người đồng sáng lập Diem, cho biết: “Chuyển tiền vào và ra khỏi các quốc gia là điều khó khăn hơn bạn tưởng. X cũng có thể có cơ hội phát triển vì Musk có xu hướng điều hành doanh nghiệp như một startup thời kỳ đầu”.
Thậm chí, trước khi Musk tiếp quản, Twitter cũng đã có một số ý tưởng về tính năng thanh toán. Còn giờ đây, tỷ phú công nghệ cần thuyết phục người dùng rằng nền tảng mà họ thường sử dụng để giải trí là nơi an toàn để gửi và chuyển tiền.