Cuối năm 2024, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” có đánh giá về lộ trình chuyển đổi sang xe điện và khử phát thải cacbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam.
World Bank cho rằng đến năm 2035, xe hai bánh vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam và sẽ dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang xe điện.
Để thúc đẩy quá trình này, cần triển khai nhiều chính sách như: hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, hoàn thiện tiêu chuẩn an toàn và quy trình kiểm định, khuyến khích sản xuất xe máy điện có công suất lớn và phạm vi hoạt động rộng, đồng thời từng bước hạn chế xe máy xăng.
Với những giải pháp này, thị phần xe hai bánh chạy điện có thể tăng từ 12% lên 75% vào năm 2035.
Từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam, nhưng sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%.
Đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển xe điện. Để đáp ứng những nhu cầu trên, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện: 9 tỷ USD đến năm 2030 và 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050.

World Bank cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn để thoát ly khỏi phương tiện sử dụng động cơ đốt trong ( Internal Combustion Engine-ICE) trong quá trình cơ giới hóa xe ô tô con. World Bank chỉ ra mới chỉ có VinFast là nhà cung cấp chính xe ô tô điện duy nhất. Các công ty khác tại Việt Nam bao gồm KIA, BYD và Tesla nhưng với thị phần nhỏ hơn đáng kể.
Riêng về so sánh xe xăng và xe điện, World Bank có nghiên cứu so sánh VinFast VF e34 và Mitsubishi Xpander, là 2 mẫu xe phổ biến ở Việt Nam.
Kết quả cho thấy, xét về tổng chi phí sở hữu (Total Cost of Ownership - TCO), VF e34 mua kèm pin thấp hơn 28% so với Mitsubishi Xpander, chủ yếu nhờ chi phí năng lượng/nhiên liệu và chi phí bảo trì thấp hơn nhiều. Chương trình bảo hành pin 10 năm của VinFast cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm TCO vì giúp chủ xe tránh được mọi chi phí liên quan đến việc thay pin trong vòng 10 năm.
Khi sử dụng hình thức thuê pin, tức là mua xe ô tô điện không kèm theo pin, giá mua của VF e34 đã tương đương so với giá mua của Mitsubishi Xpander. VF e34 với hình thức thuê pin, mặc dù có giá mua thấp hơn, nhưng sẽ dẫn đến TCO cao hơn, tương đương với Mitsubishi Xpander. Chi phí thuê pin 30 triệu đồng một tháng cộng dồn trong 10 năm sẽ làm tăng TCO thêm 27%.
World Bank cho rằng rào cản chính đối với việc áp dụng xe điện là thiếu mạng lưới trạm sạc công cộng, có nghĩa là chỉ những người có chỗ đậu xe riêng hoặc được chỉ định tại nơi cư trú mới có thể mua xe điện và sử dụng thiết bị sạc riêng để sạc.
Dùng xe điện giúp giảm phát thải như nào?

Trong báo cáo "VIỆT NAM 2045 : TĂNG TRƯỞNG XANH HƠN - Con đường hướng tới tương lai bền vững" được công bố tháng 5/2025, World Bank có đưa ra đánh giá chuyển đổi sang xe điện chỉ là một trong những yếu tố làm giảm phát thải, dự kiến chỉ có vai trò hạn chế nhằm hoàn thành các mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (Nationally determined contribution-NDC) vào năm 2030.
Khi chuyển sang dùng xe điện, phát thải khí nhà kính chỉ giảm khiêm tốn ở mức 5,3 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030, theo kịch bản giả định, đóng góp khoảng 8% cho chỉ tiêu NDC giảm phát thải trong tổng ngành năng lượng, bao gồm giao thông. Tác động hạn chế như vậy là do phần lớn xe điện vẫn là xe máy điện (hoặc xe điện hai bánh) đến năm 2030.
Ngoài ra, World Bank đánh giá chuyển đổi sang nền kinh tế giảm thải cacbon có thể tạo thêm các cơ hội việc làm mới ở nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện và nông nghiệp bền vững. Trong đó, chuyển đổi sang xe điện có thể tạo thêm 6,5 triệu việc làm mới cộng dồn dọc theo chuỗi giá trị xe điện, trong đó có 61% liên quan đến lĩnh vực hạ tầng sạc xe điện, vào năm 2050.