Lá đơn phá sản của WeWork khép lại câu chuyện đầu tư kéo dài nhiều năm của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son. Số tiền đã mất, cộng thêm việc danh tiếng bị tổn hại nghiêm trọng, biến đây trở thành một trong những thương vụ thất bại nhất của người đàn ông gắn đời mình với câu nói ‘liều mới ăn nhiều’.
Trước đây, Son, bất chấp sự phản đối của các cấp phó, đã trao cho người sáng lập WeWork Adam Neumann hàng tỷ USD từ cả SoftBank và quỹ Vision Fund, từ đó nâng mức định giá của không gian làm việc chung lên 47 tỷ USD vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, các nhà đầu tư đã chùn bước sau khi hồ sơ IPO của WeWork tiết lộ nhiều lỗ hổng.
WeWork sau đó khiến SoftBank thiệt hại nghiêm trọng. Sự sa sút của một công ty từng được coi là ‘kỳ lân’ cùng khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD của Quỹ Tầm nhìn vào năm ngoái đã hủy hoại vị thế của Son như một nhà đầu tư khôn ngoan luôn giành được chiến thắng huyền thoại.
“Bạn có thể đứng dậy sau vấp ngã, song không thể đứng dậy nếu không nhận ra sai lầm của mình”, Aswath Damodaran, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết. “Hành động cho thấy ông ta là một người rất kiêu ngạo”.
Cũng theo Damodaran, chiến thắng trước đây của Son trong khủng hoảng dot-com đã ảnh hưởng rất nhiều đến phán đoán trong bối cảnh hiện tại. Người đàn ông này đã ngủ quên trên chiến thắng.
“Trước WeWork, người ta nhận thấy SoftBank là một tổ chức cực kỳ cẩn thận, thông minh và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sự tung hô khiến họ chủ quan, cho rằng mình biết nhiều hơn người khác. Đó là khởi đầu của sự sụp đổ”.
Son thành lập Quỹ Tầm nhìn của SoftBank vào năm 2017, sau đó tiến hành rót hơn 140 tỷ USD vào hàng trăm công ty khởi nghiệp. Xu hướng ‘bơm thổi’ đã khiến ông bị các đối thủ tại Thung lũng Silicon chỉ trích dữ dội.
Tuy nhiên, bản thân Son lại cho rằng quyết định của mình xuất phát từ bản năng và độ nhạy bén. Niềm tin mù quáng vào trực giác đã khiến vị tỷ phú bỏ qua loạt chỉ báo, sự phản đối của cổ đông cũng như chính những quan ngại mà CEO Neumann đã nhìn ra.
“Tôi yêu WeWork”, Son nói với các cổ đông.
Ngay cả sau khi WeWork tuyên bố hủy kế hoạch IPO vào năm 2019, SoftBank vẫn tung ra gói hỗ trợ trị giá 9,5 tỷ USD. Ông Son một mực bảo vệ quyết định của mình, đồng thời minh họa nhiều “giả thuyết” dẫn đến lợi nhuận cho WeWork.
“Việc SoftBank đổ thêm tiền vào WeWork là một tin tốt cho công ty này”, Dror Poleg, cựu giám đốc một công ty bất động sản cho hay. “Điều này đồng nghĩa công ty sẽ có nhiều tiền mặt hơn, hay ít nhất là WeWork vẫn còn được chống lưng”.
Quyết tâm của Son trong việc nhanh chóng tạo ra các ‘kỳ lân’ khiến các đối thủ như Tiger Global Management và Sequoia Capital bị áp lực nặng nề.
“Điều quan trọng không chỉ là khoản lỗ đầu tư mà còn là câu chuyện đằng sau nó. Định giá cao một cách giả tạo đã khiến tất cả sụp đổ”, Kirk Boodry, nhà phân tích tại Astris Advisory, cho biết.
Theo Fortune, Vision Fund của SoftBank dự kiến sẽ sớm có lãi, song hiệu suất hoạt động vẫn chưa thực sự cải thiện. SoftBank đã mất hàng tỷ USD khi đặt cược vào các công ty như ứng dụng gọi xe Didi, Katerra, OneWeb hay Zume Pizza. Khoản lỗ khổng lồ khiến Son phải tạm dừng hoạt động đầu tư vào năm ngoái, cắt giảm việc làm tại Vision Fund, đồng thời hạn chế lộ diện tại các cuộc họp nội bộ.
“Tôi xin nhắc lại một lần nữa, quỹ Vision vẫn sẽ hoạt động và tầm nhìn của chúng tôi không thay đổi. Thế nhưng dù muốn hay không thì chúng tôi cũng sẽ phải cắt giảm quy mô hoạt động”, Son tuyên bố.
Trong một cuộc họp nội bộ hồi năm 2020, chính ông Son đã phải thốt lên rằng bản thân quá dại dột khi đầu tư vào WeWork.
“Chúng tôi đã thất bại khi đầu tư vào WeWork và tôi thừa nhận rằng có lúc tôi thật dại dột”, ông Son nói. “WeWork còn có thể tiếp tục lún sâu vào thua lỗ do dịch COVID-19”.
Đây không phải lần đầu tiên Softbank công khai thừa nhận những khoản đầu tư thất bại. Công ty đã xây dựng được danh tiếng nhờ cú đặt cược thành công 20 triệu USD vào Alibaba, song kể từ năm 2019, rất nhiều vấn đề bắt đầu xuất hiện. Các khoản đầu tư lớn của công ty, bao gồm Uber và WeWork, đều không hiệu quả vì hoạt động kinh doanh yếu kém và thua lỗ rất nhiều.
Masayoshi Son thừa nhận SoftBank là nạn nhân của “thị trường hỗn loạn” và “bong bóng định giá”. Nhận định đó đúng nhưng không đủ bởi nếu có bong bóng công nghệ, chính CEO Son là người thổi phồng nó.
Trên thực tế, sự thất vọng của công chúng với Softbank đã bắt đầu từ rất lâu, từ WeWork, khủng hoảng Alibaba rồi đến xu thế xì hơi của bong bóng startup công nghệ. Doanh nghiệp này cũng đã mất trắng 100 triệu USD khi đầu tư vào sàn tiền số FTX.
SoftBank là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới khi nắm giữ cổ phần tại rất nhiều công ty, chẳng hạn như GoTo Group hay Delhivery. Hồi năm 2000, tập đoàn này cũng đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba để đổi lấy số cổ phần trị giá 200 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao. Đây được cho là một trong những khoản đầu tư thành công nhất mọi thời đại của SoftBank trước khi nó sụp đổ vì sự đầu tư vô tội vạ của Masayoshi Son.
“Softbank từng cứu WeWork và quyết định đó trở thành một thất bại đáng xấu hổ. Giờ đây các cổ đông và nhà đầu tư không còn hứng thú với những động thái tương tự nữa”, nhà sáng lập Richard Windsor của Radio Free Mobile nhận định.
Theo: Fortune, FT