Vượt Hàn Quốc, một quốc gia trở thành nhà cung cấp "vàng đen" lớn nhất của Việt Nam: nhập khẩu tăng hơn 100%, giá rẻ nhất Đông Nam Á

Khánh Vy | 02:06 02/07/2024

Giá xăng của Việt Nam rẻ thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau quốc gia này.

Vượt Hàn Quốc, một quốc gia trở thành nhà cung cấp "vàng đen" lớn nhất của Việt Nam: nhập khẩu tăng hơn 100%, giá rẻ nhất Đông Nam Á

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 5/2024 giảm 17,8% về lượng và giảm 24,9% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 945.976 tấn, trị giá 731,6 triệu USD.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 4.645.101 tấn, trị giá 3,79 tỷ USD, tăng 11,4% về lượng và tăng 11,3% về kim ngạch. Điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia nhập siêu xăng dầu. Giá nhập khẩu bình quân đạt 817 USD/tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm hơn 30% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 1.415.056 tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 112,7% về lượng và tăng 123,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng tháng 5/2024 nhập khẩu tăng 22,7% về lượng và tăng 6,5% kim ngạch so với tháng 4/2024, đạt 295.190 tấn, trị giá 227,1 triệu USD. Xăng dầu đã trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất chiếm 28,4% về tỷ trọng và đẩy mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuống vị trí thứ 2 với tỷ trọng 20,9% trong tổng nhập khẩu từ Malaysia.

Hàn Quốc rơi xuống vị trí thứ 2, chiếm hơn 29-30% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt 1.409.617 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 18,9% về kim ngạch. Riêng tháng 5/2024 nhập khẩu từ xứ kim chi đạt 347.641 tấn, trị giá 257,7 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 14,1% về trị giá.

Đứng thứ 3 là thị trường Singapore, 5 tháng đầu năm 2024 chiếm 23-24% tỷ trọng trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 4,5% về lượng và tăng 7,1% về kim ngạch, đạt 1.104.203 tấn, trị giá 944,3 triệu USD; riêng tháng 5/2024 nhập khẩu từ thị trường này giảm 64,3% về lượng và giảm 66,3% về kim ngạch.

Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là thị trường lớn thứ 4 và 5.

Theo Bộ Công Thương, chính sách trợ giá xăng của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, xăng dầu xuất khẩu tại đây được bán theo giá thị trường chung của khu vực. Malaysia đang là nước có giá xăng rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á, rẻ thứ 9 toàn thế giới - 0,435 USD/lít, theo số liệu của Global Petro Price (cập nhật ngày 24/6).

Trong khi đó, Việt Nam hiện có giá xăng đứng thứ 32 thế giới, rẻ thứ 2 Đông Nam Á.

Dù xuất khẩu lượng lớn nhưng Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm và chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm. Do phụ thuộc lớn, nên hoạt động nhập khẩu xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động, đặc biệt là về giá.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất, Liên Bộ quyết định tăng 510 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 22.010 đồng/lít; tăng 550 đồng/lít đối với xăng RON 95, giá mới là 23.010 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 320 đồng, có giá 20.680 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 20.610 đồng (tăng 260 đồng/lít); dầu mazut tăng 220 đồng, có giá mới là 17.440 đồng/kg.


(0) Bình luận
Vượt Hàn Quốc, một quốc gia trở thành nhà cung cấp "vàng đen" lớn nhất của Việt Nam: nhập khẩu tăng hơn 100%, giá rẻ nhất Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO