Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” kể về Pu - cô gái dân tộc Dao mang hoài bão lớn, khát khao được đi học đại học và quay trở lại đóng góp cho bản làng. Mặc dù nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học ở Hà Nội, ước mơ của cô bị chặn đứng bởi cuộc hôn nhân được sắp đặt với Chải để giải quyết nợ nần. Bộ phim đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả với lượt xem cao cùng độ thảo luận lớn trên mạng xã hội.
Những thước phim đầu tiên của “Đi giữa trời rực rỡ” được vẽ trên phông nền của tỉnh Cao Bằng với núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang giúp khắc họa lên bức tranh sinh hoạt của con người vùng cao. Bên cạnh câu chuyện của nhân vật, hình ảnh Cao Bằng hiện lên cũng tạo ấn tượng lớn trong lòng người theo dõi bộ phim.
Mảnh đất có lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch
Địa bàn Cao Bằng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, Cao Bằng giáp các tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Lạng Sơn; ở phía Đông giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 300km.
Với vị trí địa lý trên, tỉnh Cao Bằng cách xa các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội (khoảng 280km). Tuy nhiên, lợi thế của tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc này nằm ở việc tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu cùng với phát triển du lịch nhờ tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Quy mô kinh tế tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhỏ, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2023 đạt 22.747 tỷ đồng, gấp 1,23 lần so với năm 2019. GRDP bình quân đầu người đạt 41,52 triệu đồng, gấp gần 1,23 lần so với năm 2019.
Là mảnh đất giàu cảnh sắc thiên nhiên, hội tụ nhiều di tích lịch sử, Cao Bằng tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận tỷ trọng cao ở khu vực dịch vụ, với giá trị đạt 12.928 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 56,83% tổng GRDP. Bên cạnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.824 tỷ đồng (chiếm 21,21%) và khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 4.133 tỷ đồng (chiếm 18,17%).
Tăng trưởng GRDP vẫn còn thấp, năm 2023 ghi nhận tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 57/63 tỉnh thành với mức tăng chủ yếu từ các ngành thuộc khu vực dịch vụ. Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP Cao Bằng ước tính tăng 4,54% so với cùng kỳ, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng, tăng 6,52%, theo sau là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 4,03%), khu vực nông nghiệp và xây dựng (giảm 1,56%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 14,38% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,57%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: tăng 1,41% so với cùng kỳ.
Nỗ lực “Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta”
Với lợi thế thiên nhiên hùng vĩ, đường biên giới dài hơn 300km cùng với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, những năm qua, Cao Bằng đã tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Ngày 28/12/2023, cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Trà Lĩnh đạt 282 triệu USD, giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 800 triệu USD. Với dấu mốc nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế, kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng phát triển cao hơn nữa.
Hiện nay, Cao Bằng tích cực triển khai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) để kết nối tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc qua thành phố Bách Sắc (Quảng Tây) đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Cao Bằng của Việt Nam; kết nối với các nước ASEAN theo đường Hồ Chí Minh và nối trục Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.
Đây là công trình thuộc nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 và là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư tại Cao Bằng. Toàn tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 121km, với tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35km, tổng vốn đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1/2024.
Dự án có ý nghĩa lớn với kinh tế tỉnh Cao Bằng, là ước vọng nhiều đời này của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Theo thông tin tại Cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) ngày 15/8, trên địa phận tỉnh Cao Bằng hiện đạt 35,36/41,55 km giải phóng mặt bằng tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công. Tại Lạng Sơn, công tác giải phóng đạt 11,95/51,8 km (tương đương 23%). Về công tác thu xếp và giải ngân vốn, phần vốn ngân sách Nhà nước mới chỉ giải ngân được 64,3/2.449 tỷ đồng (đạt 2,6%) vốn bố trí năm 2024.
Bức tranh Cao Bằng của tương lai?
Theo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của Vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN…
Về chỉ tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt 9,72%/năm. Trong đó, tỷ trọng khu vực nông nghiệp khoảng 12.5% GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 21,7%; và khu vực dịch vụ mục tiêu đóng góp khoảng 63.3% quy mô kinh tế trên địa bàn tỉnh.
GRDP bình quân đầu người đặt mục tiêu đạt khoảng 102 triệu đồng/người. tính theo giá hiện hành. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm bình quân trên 4%/năm, duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân tăng trên 12%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân cả giai đoạn đến năm 2023 tăng khoảng trên 10%/năm.
Đặc biệt, phương án phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh có nhiều điểm nổi bật. Điển hình, tỉnh quy hoạch giao thông đường bộ gồm: 2 đường bộ cao tốc, 7 tuyến quốc lộ, 45 tuyến đường tỉnh và các tuyến đường tuần tra biên giới. Hình thành cảng hàng không Cao Bằng sau năm 2030; đường thủy nội địa trên sông Bằng từ khu vực cửa khẩu Tà Lùng đến thành phố Cao Bằng đạt quy mô cấp V; đầu tư xây dựng cảng cạn tại huyện Trùng Khánh với quy mô 50.000 Teu/năm…