Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP và dự án khu công nghiệp Hưng Phú.
Theo đó, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (cao tốc CT.08) có tổng chiều dài 117 km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Trong đó, đoạn qua Ninh Bình đã triển khai đầu tư công, đoạn qua Hải Phòng đã giao Hải Phòng triển khai. Đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) gần 20.000 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, nền đường rộng 24,75 m; đoạn tuyến có chiều dài khoảng 60,9 km, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6 km và đoạn qua tỉnh Thái Bình dài khoảng 33,3 km.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028. Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện, Tập đoàn Geleximco cùng liên danh là chủ đầu tư.

Dự án khu công nghiệp Hưng Phú cũng do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, có diện tích trên 200 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, có vị trí chiến lược thuận lợi tiếp giáp với vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong khu vực thông qua tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Đối với tiến độ dự án tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026, đưa tuyến đường vào khai thác càng sớm thì tỉnh Thái Bình có lợi, vùng đồng bằng sông Hồng có lợi và nhân dân sớm được thụ hưởng thành quả.
Tiềm lực tập đoàn Geleximco ra sao?
Được biết đến là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu tại doanh nghiệp, hoạt động của Tập đoàn Geleximco trải dài trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản đến năng lượng, hạ tầng, sản xuất công nghiệp,… Thời gian qua, sự hình thành và lớn mạnh của Tập đoàn Geleximco gắn với tên tuổi của doanh nhân “Sao Đỏ” Vũ Văn Tiền người Thái Bình.
Xét về tiềm lực, do không phải doanh nghiệp đại chúng niêm yết nên bức tranh tài chính của Geleximco khá “kín đáo” chỉ được hé mở qua một số lần Tập đoàn này công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính theo quy định của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
.jpg)
Cụ thể, theo thông tin cập nhật mới nhất của Geleximco với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã hé mở một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo 2023.
Cụ thể, năm 2023, Geleximco ghi nhận lãi ròng hơn 73,75 tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu ở mức hơn 12.294,9 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Geleximco trong năm 2023 ở mức 0,6%.
Về chỉ tiêu nợ phải trả, theo báo cáo, năm 2023, Geleximco ghi nhận hơn 18.688,2 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 1,52 lần vốn chủ sở hữu. Chỉ tiêu này tăng nhẹ so với mức 1,43 lần của năm 2022.