"Vua tiêu" Phúc Sinh nhận vốn tài trợ không hoàn lại cao kỷ lục từ một quỹ của Hà Lan

Trương Thu Hường | 13:27 04/10/2024

Khoản tài trợ này sẽ được Phúc Sinh sử dụng cho nhiều hoạt động liên quan đến mở rộng phát triển bền vững.

"Vua tiêu" Phúc Sinh nhận vốn tài trợ không hoàn lại cao kỷ lục từ một quỹ của Hà Lan

Sáng nay (ngày 04/10), Phúc Sinh Group chính thức công bố việc nhận tài trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD). Theo đó, DFCD tài trợ cho Phúc Sinh 75% tổng giá trị dự án 575.000 Euro tương đương 431.250 euro, cùng với hỗ trợ kỹ thuật để Phúc Sinh triển khai các hoạt động chính. Đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà tổ chức này dành cho một công ty tại Việt Nam. 
Với khoản viện trợ không hoàn lại này, Phúc Sinh sẽ tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng (nondeforestation) và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các nước tiên tiến và khó tính như châu Âu.

z5895164926335_b743bebd026a9e6badff76e92fc4e1e0.jpg
DFCD là một tổ chức phi chính phủ đến từ Hà Lan, được quản lý bởi Ngân hàng Phát triển Hà Lan
(FMO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Hà
Lan (WWF-Hà Lan) và Quỹ Quản Lý Khí Hậu (CFM).

Ông Phan Minh Thông (Chủ tịch Phúc Sinh Group) chia sẻ: " Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc Phúc Sinh nhận được hai khoản tài trợ lớn từ các quỹ quốc tế chỉ cách nhau trong khoảng thời gian ngắn là một niềm tự hào lớn đối với công ty. Điều này không chỉ thể hiện sự đánh giá cao từ các tổ chức tài trợ uy tín ở châu Âu mà còn chứng minh sự minh bạch và định hướng kinh doanh bền vững mà Phúc Sinh đã kiên định theo đuổi".

Cả hai quỹ đã góp vốn, tiếp thêm sức mạnh cho Phúc Sinh mà ông Thông đề cập đều là các tổ chức đến từ Hà Lan. Ông Thông gọi đó là sự trùng hợp không thể lý giải nổi.

"Chúng tôi rất có duyên với Hà Lan. Tất cả các dự án của chúng tôi đều xuất phát từ Hà Lan mà chúng tôi cũng không thể giải thích lý do vì sao".

Năm 2010, chính khách hàng ở Hà Lan đã nói với Phúc Sinh về câu chuyện ESG và các sản phẩm trên kệ phải đật chứng nhận phát triển bền vững.

Cách đây 14 năm, ESG là chuyện quá mới lạ nhưng Phúc Sinh không hề nghi ngờ và đã bắt tay thực hành luôn. Công ty đã bỏ ra khoản đầu tư lớn để làm việc với hàng nghìn hộ nông dân nhưng cuối cùng  phải chịu thất bại lớn chỉ sau 2 năm.

"Và chúng tôi không muốn từ bỏ. Khi hiểu vì sao mình thất bại, cũng chỉ 2 năm sau, chúng tôi đã thành công và Phúc Sinh luôn kiên trì làm ESG từ đó đến nay, suốt bao nhiêu năm về sau với quy mô lớn hơn rất nhiều. Con đường đó chúng tôi vẫn đang đi và chưa hề có ý định dừng lại", ông Thông nhấn mạnh.

thu_2699.jpg
Ông Thông khẳng định, câu chuyện của Phúc Sinh là một showcase điển hình cho các doanh nghiệp nông nghiệp khác muốn đi theo con đường phát triển bền vững.

Phúc Sinh theo đuổi mô hình "contract farming" vốn rất phổ biến ở Việt Nam chứ không sở hữu đất đai vùng trồng. Trả lời câu hỏi riêng của chúng tôi về việc điều này có đi ngược với phương châm bền vững của công ty hay không bởi đã là vùng trồng hợp đồng thì rất dễ thay đổi, ông Phan Minh Thông cho rằng: Việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững, trong đó Phúc Sinh đóng vai trò mắt xích trung tâm chính là con đường của công ty.

"Mình xây dựng một cộng đồng bền vững, người dân tin tưởng đi theo mình và mình gắn bó lâu dài với họ, mình sống với con người, với sông suối núi đồi nhiều chục năm... thì đó chính là triết lý bền vững của Phúc Sinh".

thu_2815.jpg
Ông Albert Bokkestijn nhấn mạnh, đầu tư vào Phúc Sinh chính là cách DFCD đang hỗ trợ những người yếu thế, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Về phía đại diện quỹ DFCD, ông Albert Bokkestijn - Quản lý Dự án SNV-DFCD - SNV-DFCD chia sẻ: "Các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam được biết là rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và những người nông dân sản xuất nhỏ gần như không có sự chuẩn bị cho những hậu quả này. Phúc Sinh với phương châm đi cùng nông dân và bằng cách tuân thủ các biện pháp quản lý theo yêu cầu của RA, sẽ giúp đỡ đắng kể cho nông dân trước biến đổi khí hậu và thách thức mới trên thị trường tiêu thụ".

Ông Albert cũng phân tích, Phúc Sinh là công ty chế biến và kinh doanh cà phê & hạt tiêu tư nhân, nằm trong top 10 công ty xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại cả hai thị trường. Công ty đã dẫn đầu về chứng nhận Rainforest Alliance (RA) tại Việt Nam và chiếm 30% tổng lượng cà phê xuất khẩu RFA từ Việt Nam.  DFCD tự hào hỗ trợ Phúc Sinh phát triển hơn nữa các nỗ lực kinh doanh của mình cho sự phát triển bền vững này. 


(0) Bình luận
"Vua tiêu" Phúc Sinh nhận vốn tài trợ không hoàn lại cao kỷ lục từ một quỹ của Hà Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO