Là doanh nghiệp có 22 năm cung cấp nông sản Việt vào Mỹ, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch CTCP Phúc Sinh – vừa có những chia sẻ đáng chú ý về thị trường lớn này, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giao thương Việt Nam – Mỹ vừa được nâng lên tầm cao mới.
Ông Thông được mệnh danh là "Vua Tiêu". Những năm gần đây, Phúc Sinh cũng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê ra thị trường nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu. Theo ông Thông, doanh số xuất mỗi năm của Phúc Sinh vào mức 300 triệu USD (tương đương 7.062 tỷ VND), trong đó cà phê chiếm tỷ trọng lớn nhất vơi 60%, 30% còn lại là tiêu và 10% là mặt hàng trà.
Những thay đổi ở Mỹ
“Đại dịch đóng băng mọi chuyến công tác nước ngoài của chúng tôi suốt 3 năm, vì vậy ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, chúng tôi lập tức lên kế hoạch đi thăm khách hàng và thị trường. Chuyến đi đầu tiên trong năm 2023 của chúng tôi là đến Mỹ”, ông Thông mở đầu chia sẻ.
Sở dĩ ông chọn Mỹ là đích đến đầu tiên vì đây là một thị trường lớn và quan trọng của Công ty. Trước đây, khi chưa có Covid-19 thì năm nào lãnh đạo Phúc Sinh cũng có vài ba chuyến đến Mỹ; ngược lại cũng có rất nhiều công ty là khách hàng của doanh nghiệp hàng năm đều đến thăm Việt Nam, xem tình hình mùa màn kinh doanh. Khi dịch bệnh xảy ra, mọi chuyến đi hai chiều đều ngưng lại. Các bên chủ yếu liên lạc qua email, Skype, WhatsApp…. Cho nên khi đi lại được, cả đoàn Phúc Sinh theo ông Thông rất háo hức.
Đặt chân đến Mỹ, điều rất bất ngờ đầu tiên theo vị này là mặc dù công nghệ gần như bùng nổ đỉnh điểm bởi sự thuận tiện trong đại dịch, thì ngay khi nhập cảnh vào Mỹ lại thấy thay cho những năm trước hải quan Mỹ thường dùng máy tự động, năm nay họ lại dùng rất nhiều nhân viên. “Có vẻ như việc nhập cảnh vào Mỹ ngày càng chặt chẽ”, ông Thông nhận định.
Một vấn đề nổi cộm khác dưới quan sát phía Phúc Sinh là các công ty, nhà máy đều ít người làm. “Không hiểu con người đi đâu mất ấy” là câu nói mà nhiều nhà tuyển dụng, quản lý thốt lên lúc này. Bên cạnh đó, việc làm từ xa rất phổ biến ở Mỹ sau đại dịch. Các công ty Phúc Sinh gặp được đều làm ở văn phòng 2 đến 3 ngày trên tuần, ngày còn lại mọi người làm việc từ xa. Nhu cầu hàng hóa dịch vụ giảm rõ rệt. Doanh thu bán lẻ đều giảm ở mọi mặt hang tiêu dùng chủ lực lẫn xa xỉ và nhiều khi đến các trung tâm mua bán, bạn có cảm giác rất vắng người, hoặc nhiều khi người bán nhiều hơn người mua.
“Vào các trung tâm mua sắm quần áo, chúng tôi thấy nếu trước đây một shop có vài người chăm sóc thì nay vài 3 shop hay 1 shop rộng mênh mông chỉ có 1 người, bạn chọn quần áo, tự vào phòng thử và tự ra tính tiền. Máy móc gần như xử lý mọi thứ. Khi dịch bệnh, con người không thể đi lại được, các công ty phát triển tối đa máy móc thay thế con người và như vậy tạo ra 1 lượng người dư thừa thất nghiệp”, ông Thông nói.
Ông cũng bất ngờ về lạm phát tại Mỹ.
Sau hơn 3 năm lạm phát ở Mỹ rất cao, một tô phở có giá 15-18 USD, thêm tiền tip là 20 USD; so với Việt Nam thì ăn sáng ở Sài Gòn, Hà Nội cỡ 50 ngàn đồng/ bữa, ở Hải Phòng một đĩa bánh cuốn có 20 ngàn đồng đầy đủ topping (thức ăn đặt trên một món ăn khác). Giá cả ăn sáng ở Việt Nam gần như không tăng mấy so với tốc độ tăng của thế giới.
Giá khách sạn sau dịch cũng tăng khủng khiếp. Ở San Diego, đoàn Phúc Sinh thuê 550 USD/đêm và không có chai nước uống, không có bữa sáng; nếu ăn sáng nữa thì phải thêm 80 USD cho 2 người. Vậy tốc độ lạm phát ở Mỹ là rất cao chứ không như báo cáo, chưa kể các quán ăn tối thiểu bạn tip 18%, kể cả tài xế Uber cũng yêu cầu tip thấp nhất 15%.
Kinh tế suy thoái khiến nhu cầu giảm rõ rệt
Theo Phúc Sinh, năm nay khách hàng lớn đều thông báo mua ít đi và xin giao hàng chậm dù hợp đồng đã ký. Trước đây, riêng việc giao hàng, khi giá lên, người mua lớn của Phúc Sinh bán được cho người tiêu dùng. Lúc này, Phúc Sinh nếu giao trễ sẽ áp lực kinh khủng, khách hàng sẽ làm mọi cách khiến chúng ta không có con đường nào khác ngoài giao hàng đúng hẹn.
Ngược lại, khi kinh tế trì trệ khó bán, họ gửi thư là đừng có giao hàng; thậm chí cho biết nếu có giao hàng thì không có tiền trả đâu; hợp đồng xin giao trễ 2,3,4… tháng, kể cả khi mình đã mua hàng chất đầy kho.
“Vậy đấy, kinh doanh anh phải thấu hiểu cả người mua và người bán. Nếu anh không thấu hiểu thì anh cũng khó tồn tại”, Chủ tịch Phúc Sinh phân trần.
Kinh doanh ở Mỹ cũng rất nhanh, khi guồng quay chạy doanh nghiệp phải chạy thục mạng và khi dừng lại thì chúng ta cũng phải dừng lại một cách rất khẩn trương. Các báo cáo độc lập ra thông cáo là tiêu dùng chậm đi. Thực tế theo Phúc Sinh còn “đáng sợ” hơn, kinh tế khó khăn là hàng loạt các công ty lớn sa thải người lao động, có khi vừa tuyển chưa đi làm đã nhận được email sa thải và khóa tài khoản…