Ngày 11/10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tổ chức hội nghị triển khai Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030".
Trao đổi tại hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có thông tin rằng chương trình kiều hối được bắt đầu từ năm 1989 để thu thập và phân phối kiều hối về cho người Việt Nam.
Từ số tiền kiều hối chỉ vài chục nghìn đô la, vài trăm nghìn đô la ban đầu, nguồn vốn này đã phát triển mạnh mẽ, đạt đến mức hàng trăm triệu đô la, và hiện nay lên tới hàng tỷ đô la, trở thành một nguồn tài chính quan trọng của Việt Nam.
“Nguồn vốn kiều hối đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế, bù đắp phần lớn cho chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Ước tính, nếu Việt Nam xuất khẩu 130 tỷ đô la, thì nguồn vốn kiều hối có thể giữ lại được khoảng 30 tỷ đô la, một khoản tiền rất lớn cho sự phát triển của đất nước”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cũng bày tỏ ngoài việc chuyển tiền cá nhân, nhiều gia đình Việt kiều có công ty riêng ở nước ngoài muốn chuyển trực tiếp lợi nhuận về Việt Nam mà không thông qua tài khoản cá nhân, để tránh các khoản thuế, phí trung gian. Đây là một nguồn vốn hợp pháp và đáng được khuyến khích, thay vì phải chuyển qua tài khoản cá nhân rồi mới chuyển về.
“NHNN cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần có sự kết nối với các ngân hàng thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài có thể gửi ngoại hối về nước nhằm phát triển nguồn lực kiều hối hiện nay, đặc biệt là các khoản chuyển trực tiếp từ công ty Việt kiều. Mục tiêu là tiếp tục phát triển nguồn vốn kiều hối, một nguồn lực tài chính quan trọng và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, Thành phố đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thu hút kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn lực kiều hối vào đất nước.
Số liệu từ các công ty kiều hối cho thấy, 9 tháng đầu năm, kiều hối chuyển về nước ta đạt 5,5 tỷ USD, bằng khoảng 77,4% so với cả năm 2023, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Ông Lệnh nhận định con số này cho thấy chính sách thu hút kiều hối của Thành phố đang đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh TPHCM tiếp tục nâng cao giải pháp chi trả kiều hối, đặc biệt là hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác thông tin truyền thông và đảm bảo tạo điều kiện thuật lợi nhất cho người dân nhận được kiều hối chuyển về.
Ngoài ra, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết đang nghiên cứu, tham mưu để phối hợp với các sở, ban, ngành sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như là động lực thu hút nguồn kiều hối có hiệu quả.