Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023, tỷ lệ 3%/mệnh giá (tương đương 300 đồng/1 cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng vào 15/11 tới đây, thời gian thực hiện chi trả cổ tức dự kiến vào 12/12/2024.
Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ phải chi 1.200 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông, đúng như kế hoạch phân phối lợi nhuận đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Trong cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Cao su Việt Nam tính đến ngày 30/6/2024, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang có vốn góp chủ sở hữu hơn 38.708 tỷ đồng, tương đương sở hữu hơn 3,87 tỷ cổ phiếu GVR, dự kiến sẽ thu về 1.161 tỷ đồng đợt cổ tức 2023 lần này.
Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập năm 2006, hoạt động trên 4 lĩnh vực chính (1) Sản xuất và kinh doanh mủ cao su, 2) Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ cao su như lốp xe, (3) Hoạt động chế biến gỗ, (4) Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. GVR đang quản lý gần gần 400 nghìn hecta đất trồng cây cao su cả trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, GVR đang trong quá trình tái cấu trúc và hướng trọng tâm phát triển vào mảng kinh doanh khu công nghiệp nhờ vào quỹ đất dồi dào tập đoàn nắm giữ.
Lãi quý 3/2024 tăng mạnh 62% so với cùng kỳ
Về tình hình kinh doanh, lãnh đạo GVR cho biết sau 9 tháng năm 2024 công ty ghi nhận doanh thu 16.207 tỷ đồng, thực hiện được 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính riêng quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế GVR ước đạt 801 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang quý 3/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp nhiều thuận lợi khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm. Bên cạnh đó là diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch nhờ nguồn cung suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Hơn nữa là nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhận định về năm 2025, lãnh đạo GVR cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia trên thế giới; biến động giá cả hàng hóa thế giới (xăng dầu, vàng…), thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến khó lường.
Tập đoàn kỳ vọng năm 2025, doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.490 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 3.900 tỷ đồng. Tổng Giám đốc GVR cho biết, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực đầu tư ngoài cao su theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Ủy ban phê duyệt gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo ngoài thủy điện.