Liên quan đến "Vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng", cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh và vẫn chưa có kết luận chính thức.
Dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường.
Ngân hàng hết thời hạn khởi kiện?
Theo luật sư Cường, đây là quan hệ dân sự nên nếu khách hàng không đồng ý với cách tính lãi suất như vậy thì một trong các bên có quyền đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Quan hệ dân sự vay tài sản chỉ trở thành hình sự nếu người vay tiền gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ hoặc sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ thì khi đó sẽ xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự.
Trong vụ việc này, thanh tra ngân hàng nhà nước cần vào cuộc để xác minh làm rõ cách tính lãi suất của ngân hàng này và rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất cho vay, lãi suất thẻ tín dụng để điều chỉnh cho phù hợp.
"Nếu vay số tiền chưa đến 10.000.000 đồng mà một năm tiền lãi lên đến gần 1.000.000.000 đồng vẫn đúng quy định pháp luật thì cần phải sửa ngay quy định này để tránh việc bóc lột bằng hình thức cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Nếu trường hợp cách tính lãi suất của ngân hàng này không đúng pháp luật thì cần phải sửa lại và xem xét trách nhiệm về nghiệp vụ trong trường hợp này:
Trường hợp khách hàng không đồng ý trả số tiền này vì cho rằng việc tính lãi không đúng, chưa đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì ngân hàng có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi tòa án giải quyết, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tính lãi suất trong các hợp đồng tín dụng mà thấy việc tính lãi như vậy là đúng pháp luật thì sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Trường hợp tòa án xác định việc tính lại suất như vậy là không phù hợp với quy định pháp luật thì sẽ bác yêu cầu khởi kiện.
Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm là thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng có còn hay không ?
Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 có quy thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:
"Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm".
Như vậy, pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là trong thời hạn 03 năm kể từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm. Bởi vậy nếu trong thời hạn 03 năm khi mà người vay không trả nợ, bên cho vay cũng không nhắc nợ, không khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết trong thời hạn này thì đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, ngân hàng có khởi kiện thì tòa án cũng không giải quyết.
"Vụ việc này cần phải đợi kết quả thanh tra của ngân hàng nhà nước để xác định việc tính lãi suất có đúng hay không. Các bên cũng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết nếu còn thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn thì ngân hàng cũng không có quyền khởi kiện để khởi kiện đòi số tiền này của khách hàng", luật sư Cường tư vấn.
Cần làm rõ tính hợp pháp của hợp đồng
Cụ thể về trường hợp khách hàng phản ánh, luật sư Cường cho hay, thanh tra ngân hàng nhà nước sẽ làm rõ giao dịch này được xác lập như thế nào, nội dung hợp đồng mở thẻ thỏa thuận về lãi suất ra sao, quyền và nghĩa vụ giữa các bên được thống nhất như thế nào, có phù hợp với quy định của pháp luật hay không để xác định tính hợp pháp của hợp đồng này.
Ngoài ra cũng sẽ làm rõ quá trình thực hiện hợp đồng như thế nào, phía ngân hàng có nhắc nợ hay không, tại sao chậm thanh toán lâu như vậy mà không chuyển sang nhóm nợ xấu để thu hồi sớm, lại để hơn chục năm mớiđòi nợ.
"Theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn ba năm kể từ ngày người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng phải khởi kiện để đòi nợ, nếu không khởi kiện thì mất quyền khởi kiện. Bởi vậy, trong vụ việc này cũng làm rõ thời hiệu khởi kiện có còn hay không để xác định vụ việc có thể chuyển đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân
Thanh tra ngân hàng nhà nước cũng cần kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lãi suất cũng như cách tính lãi đối với thẻ tín dụng. Nếu trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có sơ hở để ngân hàng tính lãi theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con như vậy thì cần phải đình chỉ hiệu lực của văn bản này và sửa đổi kịp thời. Không thể để xảy ra tình trạng số tiền vay chưa đến 10.000.000 đồng mà mỗi năm phải trả đến gần 1.000.000.000 đồng theo kiểu bóc lột như vậy.
Nếu trường hợp ngân hàng tính lãi suất không đúng hoặc có sai sót thì cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm và xem xét lại quy trình nghiệp vụ.
Cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy trình mở thẻ, sử dụng thẻ, nhắc nợ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh trường hợp mở thẻ ra mà không thực sự sử dụng gây lãng phí tiền của của cả các bên. Những sự việc như thế này ít nhiều cũng sẽ gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của ngân hàng này mà của các ngân hàng khác. Chính vì vậy về phía ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thì cần phải có thanh tra kiểm tra làm rõ để công khai vấn đề này trước công luận.
Vụ việc này cũng sẽ là bài học cho các khách hàng trong việc mở thẻ tín dụng. Trong trường hợp không thực sự cần thiết thì không nên mở thẻ, nếu mở thẻ thì phải kiểm soát thẻ và cần phải đọc kỹ hợp đồng mở thẻ, nội dung nào chưa rõ thì phải yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích và giữ lại một bản hợp đồng trong quá trình thực hiện. Trường hợp nhận được thông báo lãi suất bất thường thì phải phản hồi ngay với ngân hàng và có hướng xử lý phù hợp, tránh trường hợp để nhiều năm phải chịu mức lãi suất cắt cổ như vậy.
Vụ việc này ít nhiều cũng gây ra hoang mang lo lắng cho nhiều khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng theo hình thức tiêu tiền trước, trả lãi sau. Bởi vậy, các ngân hàng cũng cần công khai mức lãi suất cũng như cách tính lãi suất cho khách hàng để khách hàng yên tâm trong quá trình sử dụng thẻ. Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ sự việc này để có những thông tin công khai trước công luận về quản lý lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, không để tình trạng lãi suất "không tưởng" như trong vụ việc này xảy ra.
"Nếu chỉ vay số tiền dưới 10.000.000 đồng và một năm phải trả đến gần 1.000.000.000 đồng tiền lãi thì đó là hành vi bóc lột tàn nhẫn người lao động, luật Việt Nam không bao giờ cho phép mức lãi suất cắt cổ như vậy, sẽ không phù hợp với chính sách tài chính tiền tệ cũng như bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay", ông Cường nêu quan điểm.