Vụ trưởng Vụ Thanh toán: “Nhờ xác thực sinh trắc học, số vụ gian lận giảm hơn 50% còn tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm trên 70%”

Thảo Vân | 11:40 26/09/2024

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổng số vụ gian lận và tài khoản liên quan đến lừa đảo đều giảm so với cùng kỳ, sau khi Quyết định 2345 được triển khai.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán: “Nhờ xác thực sinh trắc học, số vụ gian lận giảm hơn 50% còn tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm trên 70%”
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.

Tại Họp báo Ngày thẻ Việt Nam, sáng 26/9 tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ các kết quả ban đầu khi thực hiện Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Tuấn, đến nay, số liệu sinh trắc học thu thập khoảng 38 triệu tài khoản, gần 4 triệu ví điện tử. Hầu hết khách hàng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đã đăng ký sinh trắc học thực hiện giao dịch.

“Mục tiêu của 2345 là đảm bảo chính chủ khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ, đến ví điện tử, qua đó hạn chế tình trạng lừa đảo”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh.

Nhờ đó, sau hai tháng triển khai sinh trắc học, mỗi ngày có 25 triệu giao dịch. So với các tháng trước, số liệu gần như không thay đổi. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước không tác động đến số lượng giao dịch, ngược lại, còn giúp đảm bảo an toàn.

Theo đó, đến tháng 8, số vụ gian lận còn khoảng 70 vụ việc, giảm 50% so với 7 tháng trước đó. Số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo, chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình. Điều này cho thấy tác động tích cực của quyết định 2345 góp phần hạn chế lừa đảo, gian lận trên môi trường Internet.

Bên cạnh các ưu điểm, việc áp dụng thu thập thông tin sinh trắc học còn nhiều khó khăn, đặc biệt với đối tượng khách hàng không am hiểu công nghệ.

“Tôi hy vọng các tổ chức thanh toán, trung gian thanh toán tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học”, ông Tuấn nhấn mạnh.

qa-1.jpg

Trước đó, Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7, yêu cầu xác thực sinh trắc học dựa trên việc so sánh đặc điểm của người dùng với dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an hoặc qua VNEID, khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng mỗi lần hoặc trên 20 triệu mỗi ngày.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/10, cá nhân đăng ký mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử qua kênh online phải thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định về thủ tục phát hành thẻ (Điều 9) và quy định về việc phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử (Điều 10).


(0) Bình luận
Vụ trưởng Vụ Thanh toán: “Nhờ xác thực sinh trắc học, số vụ gian lận giảm hơn 50% còn tài khoản liên quan đến lừa đảo giảm trên 70%”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO