Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mức định giá vẫn còn hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực.
Tỷ lệ P/E TTM của chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 17,5 lần, trong khi đó mức P/E TTM của hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đều trên mức 20 lần, ngoại trừ thị trường chứng khoán Thái Lan đang có mức P/E TTM là 15,3 lần nhờ vào việc mở cửa lại nền kinh tế sớm.
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi lên trong tháng 1/2022 nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2021.
Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, hóa chất và sản xuất thực phẩm là những nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng và rủi ro trung hạn đang ở mức thấp.
Để bảo vệ cho dự báo của mình, Yuanta Việt Nam đưa ra những chỉ số kinh tế khả quan trong quý 4/2021.
Quý 4 kéo lại đà tăng cho cả năm 2021
Cụ thể, GDP cả năm 2021 tăng 2,58% được đóng góp bởi đà hồi phục mạnh mẽ trong quý 4/2021 GDP khi tăng 5,22% so với quý 4/2020. Trong đó dòng vốn FDI có tăng tốc trong những tháng cuối năm, riêng tháng 12/2021 tổng vốn đăng ký mới tăng 123,6% cùng kỳ năm trước, cả năm đạt 31,15 tỷ USD tăng 9,2% so với 2020
Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh bất chấp giai đoạn giãn cách và khó khăn về logistic với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 668.5 tỷ USD, tăng 22,6% cùng kỳ năm trước. Trạng thái xuất siêu đã quay trở lại từ tháng 9 sau nhiều tháng nhập siêu, giúp cán cân thương mại cả năm 2021 ước tính xuất siêu 4 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục mạnh những tháng cuối năm bất chấp tình trạng thiếu hụt lao động, khi chỉ số IIP tháng 12/2021 tăng 3,5% so với tháng 11/2021 và tăng 8,7% cùng kỳ năm trước với đà tăng kéo dài từ tháng 9.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ hồi phục từ cuối quý 3/2021 tuy nhiên lũy kế cả năm vẫn giảm nhẹ 3,8% cùng kỳ năm trước do khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng.
Các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá, lạm phát vẫn duy trì ổn định trước những ảnh từ môi trường toàn cầu, đặc biệt CPI bình quân 2021 vẫn ở mức thấp 1,84%.
GDP tăng khoảng 6,39% trong năm 2022
Yuanta Việt Nam cho rằng, động lực tăng trưởng trong năm 2022 vẫn tiếp tục đến từ đà hồi phục của hoạt động sản xuất công nghiệp khi tình trạng thiếu lao động kỳ vọng sau Tết nguyên đán sẽ được giải quyết, xuất nhập khẩu tăng trưởng nhờ sự hồi phục kinh tế toàn cầu, cũng như cầu nội địa sẽ tăng tốt hơn trong năm 2021.
Dòng vốn FDI bị ảnh hưởng bởi Covid trong 2020-2021 sẽ khả quan hơn nhiều trong năm 2022 khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm nơi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn mới và biến chủng Omicron không quá nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các chính sách điều hành, ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau đại dịch. Việc triển khai các gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý, đúng đối tượng sẽ là yếu tố thúc đẩy hồi phục nền kinh tế. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công vẫn là một trong những yếu tốt then chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này.
Thêm vào đó, Việt Nam là một trong số những nước tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới, với tỷ lệ tiêm đủ 2 liều hiện nay là 86,3% dân số từ 18 tuổi trở lên và đây là yếu tố giúp cú sốc giãn cách xã hội như từng xảy ra trong quý 3/2021 sẽ không xảy ra và đảm bảo đà hồi phục kinh tế được ổn định hơn.
Kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng, dự báo GDP tăng khoảng 6,39% trong năm 2022 dựa trên những động lực tăng trưởng trên và mức nền thấp của năm 2021.