Sau nhịp điều chỉnh, VN-Index đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Lực bán hạ nhiệt giúp thị trường chung duy trì sắc xanh trong cả phiên giao dịch và kết phiên với mức tăng 5,32 điểm đến lấy lại mốc 1.125 điểm.
Dù hồi phục về điểm số, song thanh khoản thị trường lại tụt dốc khá mạnh. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt xấp xỉ 9.600 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 27 phiên gần nhất. Dù con số này chỉ giảm nhẹ so với phiên trước đó, nhưng đã giảm xấp xỉ 40% so với thanh khoản bình quân trong 1 tháng trở lại đây.
Dòng tiền liên tục “hụt hơi” cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước đà hồi phục của thị trường. Sự giằng co giữa bên bán và bên mua có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản trồi sụt. Theo đó, bên bán đã chốt lời vẫn chưa tìm được lý do để giải ngân trở lại, trong khi bên mua có thể vẫn chờ đợi một nhịp điều chỉnh sâu hơn.
Mặt khác, khả năng dòng tiền mới vào thị trường có thể đã đạt đỉnh. Sau những phiên giao dịch tỷ đô giá có xu hướng giảm, điều này cho thấy áp lực phân phối tại phiên đó xuất hiện và dòng tiền không quay lại đủ nhiều để bù đắp. Hiện tượng rút dần tiền ra sẽ dẫn tới thanh khoản suy giảm dần.
Thêm vào đó, những số liệu vĩ mô công bố không mấy khả quan cũng tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. Cụ thể, GDP quý 2/2023 tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua, PMI tháng 6 dù hồi nhẹ nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế vẫn chậm trong khi lãi suất điều hành bắt đầu hạ từ tháng 3 khiến giới đầu tư quan ngại về độ “ngấm” của chính sách đối với nền kinh tế.
Trong khi nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức, định giá của thị trường cũng “đắt” hơn đáng kể so với thời điểm trước đó. Theo dữ liệu, P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 13,x lần cao hơn đáng kể so với đáy. Nhiều nhà đầu tư lo ngại kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 2 tới đây sẽ tiếp tục kéo định giá thị trường lên cao hơn. Đây cũng một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền “nhỡ tàu” không mặn mà nhập cuộc.
Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, nếu trong các phiên tới thanh khoản tiếp tục biến mất, lập luận tiền mới vào thị trường khả năng bị bác bỏ.
Nhìn rộng hơn, vị chuyên gia cho rằng động lực lớn nhất của thị trường vẫn là “sóng” FOMO của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế vừa qua có thể khiến nhà đầu tư cá nhân xác định lại kỳ vọng.
Đặc biệt, khi mùa kết quả kinh doanh quý 2 đang đến và dự báo có nhiều gam màu không tươi sáng, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất. Do đó, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng khi giải ngân trong thời điểm hiện tại.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Mai - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank (CTS) cũng nhận định, thị trường tăng điểm trong giai đoạn hiện nay chủ yếu thúc đẩy bởi một lượng tiền lớn và khi lượng tiền này đủ lớn thì đó là lúc thị trường đạt đỉnh ngắn hạn.
Điểm tiêu cực đã xuất hiện khi các chỉ báo kỹ thuật đều cho thấy VN-Index đang chạm đến vùng quá mua. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư cũng đang tỏ ra lưỡng lự với thị trường hiện tại.
Theo chuyên gia CTS, VN-Index cần thời gian tích lũy phía trên vùng giảm mục tiêu 1.08x-1.100 điểm để hấp thụ cung bán trước khi bước vào một nhịp tăng mới nếu những thông tin tích cực từ tình vĩ mô trong nước và quốc tế được cải thiện.