Sau những rung lắc đầu phiên 22/7, thị trường chứng khoán đi lên nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu Bluechips như "họ" Vingroup hay cổ phiếu ngân hàng. Lực cầu gia tăng đẩy chỉ số VN-Index băng băng vượt cản và đóng cửa cao nhất phiên. Kết quả, VN-Index tăng 24,49 điểm (1,65%) lên mức 1.509,54 điểm, thành công đứng tại mức điểm cao nhất hơn 3 năm, kể từ phiên 6/4/2022.

Thanh khoản trên HoSE tiếp tục ở ngưỡng tỷ USD với giá trị trên 33.000 tỷ đồng. Phiên tăng mạnh đẩy vốn hóa sàn tăng hơn 105.500 tỷ đồng, đạt hơn 6,5 triệu tỷ đồng. Đà bứt phá 1,65% cũng đưa VN-Index lọt vào top các chỉ số tăng mạnh nhất khu vực trong hôm nay.
So với mức đóng cửa cao nhất lịch sử (1.528,57 điểm) ghi nhận vào ngày 6/1/2022, VN-Index hiện chỉ còn kém chưa đầy 20 điểm. Với khoảng cách này, cơ hội vượt đỉnh đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Về nhóm cổ phiếu kéo thị trường đi lên, hai mã VIC và VHM tăng trên 3,5% là những "công thần" lớn nhất đóng góp lần lượt 5 điểm và 3,4 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, hai "ông lớn" ngân hàng là VCB và BID cũng đóng góp tổng cộng hơn 3 điểm tăng cho thị trường. Một số cổ phiếu khác như GEX, FPT, EIB, HVN, VJC... cũng đồng thuận bứt phá.
.png)
Dù vậy, điểm trừ lại tới từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Sau nhiều phiên dòng vốn này hạ nhiệt gom hàng, phiên hôm nay chứng kiến khối ngoại quay đầu bán ròng đột biến gần 1.900 tỷ đồng trên HOSE. Tâm điểm "xả" ghi nhận tại VJC, SSI, SHB,... Đây đều là những mã đã có đà tăng mạnh trong quãng thời gian trước. Thậm chí trong phiên hôm nay, mặc dù bị khối ngoại áp ra mạnh song VJC vẫn tăng kịch trần "trắng bên bán", dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị.
VN-Index hoàn toàn có thể vượt đỉnh, thị trường tiếp tục có nhiều câu chuyện để kỳ vọng
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đã phần nào được cởi trói sau phiên bứt phá. Chẳng cần nói cũng có thể hình dung nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vui mừng như thế nào khi thị trường sau nhiều nỗ lực đã trở lại được ngưỡng điểm quan trọng 1.500. Trước đó chỉ số chính đã nhiều lần tiệm cận sát mốc điểm này tuy nhiên chưa thể thành công trở lại trước áp lực đè nặng.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, tình hình bất ổn bên ngoài thế giới vẫn có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn. Vì thế, nhà đầu tư nên giữ “cái đầu lạnh” để tránh FOMO thái quá.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khả năng Việt Nam được tổ chức FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi là rất gần. Khi nâng hạng thành hiện thực, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn toàn cầu quy mô ~ 1 tỷ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá.
VDSC dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 điểm trong vòng 6–8 tháng tới. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi các rủi ro như biến động địa chính trị, áp lực tỷ giá nếu FED trì hoãn hạ lãi suất, và sự bất định trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Dù vậy, các rủi ro này phần lớn chỉ mang tính nguy cơ và có thể tác động tâm lý thị trường trong thời gian ngắn và khó ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của doanh nghiệp nếu không mang tính cấu trúc.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), với đà tăng mạnh mẽ như hiện tại, việc VN-Index vượt đỉnh lịch sử chỉ là câu chuyện thời gian, kỳ vọng thời điểm vượt qua đỉnh sẽ rơi vào tháng 9 – 10 năm nay. Theo vị chuyên gia này, giai đoạn diện tại là một trong những giai đoạn bơm tiền mạnh nhất kể từ sau năm 2021, thúc đẩy sóng tăng mạnh mẽ của chứng khoán. Khi thị trường đang tăng tốt và NĐT có thể giải ngân số tiền lớn, chứng khoán là kênh đầu tư đầy triển vọng.
Với việc chỉ số chuẩn bị vượt đỉnh, thanh khoản củng cố, câu chuyện nới lỏng chính sách, bối cảnh vĩ mô bên ngoài tích cực, thị trường tiếp tục có nhiều câu chuyện để kỳ vọng, chẳng hạn như thay đổi cải cách, luật mới hỗ trợ tăng trưởng, nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng,...