VIS Rating: Luật sửa đổi mở đường xử lý nợ xấu, tạo cú hích cho ngành ngân hàng

Việt Hưng | 10:02 28/06/2025

Theo các chuyên gia tại VIS Rating, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 mang lại tín hiệu tích cực cho các ngân hàng nhờ tăng cường hoạt động xử lý nợ xấu và hỗ trợ của cơ quan quản lý.

VIS Rating: Luật sửa đổi mở đường xử lý nợ xấu, tạo cú hích cho ngành ngân hàng

Ngày 27/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường năng lực xử lý nợ xấu và hỗ trợ các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn.

Một điểm nổi bật trong luật sửa đổi lần này là việc khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) không bị tranh chấp hoặc kê biên, từng là cơ chế quan trọng được Nghị quyết 42 (hiệu lực từ 2017–2023) cho phép áp dụng. Trong thời gian có hiệu lực, Nghị quyết 42 đã giúp tăng 65% quy mô nợ xấu được xử lý mỗi tháng. Tỷ lệ khách hàng tự trả nợ trên tổng nợ xấu nội bảng cũng tăng từ 23% lên 36%, cho thấy hiệu quả tích cực rõ rệt.

screenshot-2050-.png

Tóm tắt những thay đổi chính trong luật sửa đổi

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hoạt động xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do phải phụ thuộc vào sự hợp tác của khách hàng hoặc trải qua các thủ tục tố tụng kéo dài. Trong nửa đầu năm 2024, gần 50% nợ xấu được xử lý thông qua việc trích lập dự phòng và xóa nợ – con số tương đương khoảng 30–40% tổng vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng khiến tỷ lệ thu hồi nợ từ xử lý tài sản giảm xuống chỉ còn 27%, thấp hơn đáng kể so với mức 40% trong giai đoạn 2021–2022.

Một điểm mới quan trọng khác là việc trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được phép cấp các khoản vay đặc biệt với lãi suất 0% cho các tổ chức tín dụng gặp khó khăn. Quy định này không chỉ tạo điều kiện cho NHNN có thể can thiệp sớm mà còn giúp bảo đảm an toàn và ổn định cho toàn hệ thống tài chính.

Theo các chuyên gia từ VIS Rating, việc khôi phục quyền thu giữ TSBĐ sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời, đặc biệt với các ngân hàng có mảng bán lẻ mạnh và hạn chế cho vay trong phân khúc đầu cơ.

screenshot-2051-.png

Các ngân hàng bán lẻ tăng xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro

Từ năm 2022 đến 2025, tỷ lệ nợ có vấn đề tại các ngân hàng như ACB, HDB, OCB, VIB, VPB và MBB đã tăng từ mức 1,6% lên 2,2%, chủ yếu đến từ các khoản cho vay mua nhà và hộ kinh doanh.

Trong khi thị trường nhà ở có dấu hiệu phục hồi nhờ lực cầu lớn, việc xử lý TSBĐ liên quan đến các dự án nghỉ dưỡng, đầu cơ vẫn còn nhiều thách thức do dư cung và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với nền tảng pháp lý mới, các ngân hàng kỳ vọng có thể chủ động hơn trong việc thu hồi nợ và cải thiện dòng tiền.

VIS Rating kỳ vọng, việc Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua được đánh giá là tín hiệu tích cực, góp phần giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, gia tăng lợi nhuận thông qua hiệu quả thu hồi nợ. Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2025 sẽ là động lực kép giúp cải thiện sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VIS Rating: Luật sửa đổi mở đường xử lý nợ xấu, tạo cú hích cho ngành ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO