Nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng

Hải Sơn | 07:18 06/11/2024

Mặc dù nợ xấu quý 3 và 9 tháng năm 2024 có dấu hiệu tăng, nhưng các chuyên gia kỳ vọng các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là 3 dự án luật liên quan đến nhà đất đã có hiệu lực sẽ “rộng đường” để các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, giảm nợ xấu.

Nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng
Nhiều yếu tố hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu. (Ảnh: Int)

Nợ xấu có xu hướng tăng

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Nhiều ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có quy mô lớn Vietcombank, Techcombank ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng cao.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý III/2024, tổng nợ xấu nhóm 3, 4 và 5 của Vietcombank đã tăng mạnh 35,8% so với đầu năm, vượt ngưỡng 17.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ dưới 1% hồi đầu năm lên 1,22%.

Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III/2024 đạt 1,57%, tăng so với mức 1,13% tại thời điểm đầu năm.

Còn tại các ngân hàng TMCP tư nhân, nợ xấu cũng gia tăng. Theo báo cáo tài chính của MSB, luỹ kế 9 tháng năm 2024 ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 72% kế hoạch năm.

Tỷ lệ nợ xấu của MSB hiện ở mức gần 2,88% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 2,86% hồi cuối năm 2023. Đáng lưu ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 66%, lên hơn 3.008 tỷ đồng nhưng lại ghi nhận giảm nhẹ ở nợ nhóm 3 và nhóm 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ).

Còn Techcombank, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 9 ở mức 1,35%, tăng so với tỷ lệ 1,28% tại thời điểm cuối tháng 6. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng nhẹ, lên mức 103%.

Tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng tới 55% so với hồi đầu năm, lên 6.064 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay theo đó tăng từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9.

Tại PGBank, tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Tại LPBank, nợ xấu đã tăng 70%, từ 3.689 tỷ đồng lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên 1,96%; tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tăng nhẹ từ mức 1,93% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối tháng 9; tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank đến cuối tháng 9/2024 ở mức 2,2%...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế vĩ mô và thiên tai.

Đặc biệt, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về vật chất cho người dân và doanh nghiệp rất nặng nề. Nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi gần như mất trắng, trong khi vốn vay ngân hàng chưa kịp trả cả lãi và gốc.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu thị trường gặp khó khăn.

Theo đại diện một số ngân hàng TMCP tư nhân cho biết, hiện nay 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo thông qua việc phát mãi. Ngay cả khi phát mãi thành công, ngân hàng vẫn phải chịu thiệt hại lớn do giá trị tài sản đã giảm đáng kể.

Đơn cử mới đây, Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là hai ngôi biệt thự tại KĐT Ciputra, đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Dung Phát, Công ty TNHH Thương mại Thành An và Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK quốc tế Minh Ngọc. Trong lần rao bán này, Agribank hạ giá khoảng 29 tỷ đồng đối với hai căn biệt thự so với giá khởi điểm được thông báo cho phiên đấu giá vào tháng 8.

Agribank chi nhánh Đống Đa cũng từng rao bán gần 10 lần tài sản thế chấp của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền. Tài sản này là hàng nghìn m2 đất tại thuộc dự án khu đô thị và bến du thuyền ở Nha Trang. 

Ngân hàng Sacombank mới đây cũng thông báo rao bán nhiều bất động sản thuộc dự án Xi Grand Court. Dự án này có địa chỉ tại 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM. So với lần rao đầu, giá khởi điểm của 10 căn penthouse và 9 căn hộ giữ trung tâm TP.HCM giảm cao nhất hơn 2 tỷ đồng.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân từng thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM với mức giá từ vài tỷ đồng. BIDV cho biết, có 2 lô đất tại TP.HCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua.

Nhiều yếu tố tích cực

Các chuyên gia đánh giá, điểm tích cực hiện nay là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Các dự án luật sửa đổi mới được thông qua như Luật Đất đai 2024; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chính thức có hiệu lực đã tạo cú hích với thị trường bất động sản, giúp thị trường dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ đầu tháng 7. Theo các quy định mới, từ ngày 1/8/2024, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Luật cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO