VIS Rating vừa có báo cáo về “Triển vọng ngành ngân hàng năm 2025”. Theo đó, các chuyên gia nhận định, trong 2025 năng lực tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam sẽ cải thiện nhẹ, tiếp theo xu hướng hồi phục từ nửa cuối năm 2024, được dẫn dắt bởi các ngân hàng quốc doanh (SOBs) và một số ngân hàng lớn.
Năm 2025, nhiều chính sách của Chính phủ được triển khai để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vướng mắc về pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong các ngành chính mà ngân hàng cho vay như sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản.
Tỷ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm dần khi khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện. Biên lãi ròng (NIM) cao hơn và chi phí tín dụng thấp hơn sẽ giúp cải thiện lợi nhuận và ổn định an toàn vốn. Nguồn vốn và thanh khoản toàn ngành vẫn sẽ ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Cũng theo các chuyên gia VIS Rating, tỷ lệ hình thành nợ có vấn đề sẽ giảm dần khi khả năng trả nợ của khách hàng tổ chức cải thiện trong bối cảnh môi trường kinh doanh tốt hơn.
Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và thặng dư thương mại, cùng những nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước và cải thiện dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2025.
Năm 2025, khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân cũng sẽ dần cải thiện khi thu nhập từ kinh doanh,việc làm ổn định và giá trị bất động sản phục hồi.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành sẽ giảm xuống 2,2% trong năm 2025 từ mức 2,3% của năm 2024, được dẫn dắt bởi SOBs và một vài ngân hàng lớn có hoạt động cho vay thận trọng và ít cho vay các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn”, các chuyên gia của VIS Rating cho hay.
Bên cạnh đó, một vài ngân hàng nhỏ và vừa vẫn sẽ đối mặt với các vấn đề liên quan khoản vay mua nhà gắn với các dự án mang tính đầu cơ. Trong thời gian tới, rủi ro quản trị vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng vì mối liên hệ chặt chẽ với các tập đoàn lớn – chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản – sẽ làm tăng rủi ro hoạt động và khả năng dễ bị tổn thương hơn cho các ngân hàng khi các tập đoàn này gặp vấn đề. Khả năng sinh lời toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ nhờ NIM mở rộng và chi phí tín dụng thấp hơn.
Chuyên gia VIS Rating kỳ vọng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) sẽ tăng nhẹ lên 1,60% trong năm 2025 từ mức 1,55% của năm 2024, đi kèm với tăng trưởng tín dụng từ 15- 16% trong năm 2025. Nhu cầu tín dụng kỳ hạn dài hơn từ doanh nghiệp và cho vay mua nhà sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp một phần chi phí vốn cao hơn và ghi nhận NIM mở rộng từ 5-10 điểm cơ bản lên mức 3,5%.
Ngoài ra, thu ngoài lãi sẽ tăng nhẹ từ kinh doanh trái phiếu tổ chức tín dụng (FI), thu từ thu hồi nợ và doanh số bán bảo hiểm cải thiện từ vùng đáy. Chi phí tín dụng của SOBs và một số ngân hàng lớn sẽ giảm khi chất lượng tài sản cải thiện. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ và một vài ngân hàng quy mô vừa có thể phải đối mặt với nhiều thách thức để nâng cao lợi nhuận do cạnh tranh cho vay và huy động tiền gửi.
Bộ đệm rủi ro vẫn sẽ ổn định do lợi nhuận cải thiện nhẹ. VIS Rating kỳ vọng mức vốn toàn ngành sẽ ổn định khi lợi nhuận và khả năng tạo vốn cải thiện cùng tăng trưởng tài sản. Vốn của SOBs sẽ cải thiện nhẹ nhờ triển khai kế hoạch tăng vốn và việc trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp giữ lại vốn. Các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh phát hành ra công chúng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong năm 2025 theo luật chứng khoán mới để khai thác nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ khi tỷ lệ hình thành nợ có vấn đề chậm lại. Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tiếp tục gặp khó khăn trong việc cải thiện lợi nhuận và sẽ mất nhiều thời gian hơn để cải thiện bộ đệm dự phòng.
Năm 2025, nguồn vốn và thanh khoản sẽ vẫn ổn định nhờ đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn trái phiếu dài hạn và tăng trưởng tiền gửi tốt hơn. Khi tăng trưởng cho vay tốt hơn, cạnh tranh huy động tiền gửi sẽ gia tăng, và các ngân hàng quy mô nhỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn và có bộ đệm tài sản thanh khoản ở mức yếu sẽ đối mặt với áp lực chi phí vốn tăng cao và căng thẳng thanh khoản. Trong khi đó, SOBs và các ngân hàng lớn có mạng lưới chi nhánh và nền tảng số mạnh mẽ sẽ có thể chống chịu tốt hơn trước việc tăng lãi suất huy động và cải thiện nguồn tiền gửi chi phí thấp.