Vinatex: "Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô hàng nghìn lao động mà phải nhận những đơn hàng từ 500 – 1000 chiếc áo"

Huyền Trang | 14:51 20/06/2023

Dự kiến quý 2/2023, doanh thu Vinatex đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm.

Vinatex: "Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô hàng nghìn lao động mà phải nhận những đơn hàng từ 500 – 1000 chiếc áo"

Ngày 20/6/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán: VGT) đã tổ chức họp báo cập nhật kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn.

Theo đó, dự kiến quý 2/2023, doanh thu Tập đoàn đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. Tuy có mức suy giảm doanh thu, lợi nhuận so với các năm trước nhưng đây là mức giảm khả quan hơn so với các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong quý 1/2023, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất 118 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm.

Năm 2023, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với năm 2022. Nhưng theo ông Cao Hữu Hiếu, thành viên HĐQT của Vinatex cho biết đây đã là kịch bản tốt nhất Vinatex dự đoán đạt được trong năm nay.

Theo Vinatex, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong top 5 các mặt hàng được tiết giảm. Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, Châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Đối với Vinatex, khó khăn thể hiện ở 2 lĩnh vực chính: ngành sợi và may. Ngành sợi bắt đầu gặp khó khăn từ quý 3/2022, khi nhu cầu xuống thấp, giá bán giảm, tuy đã Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng thị trường Trung Quốc gia tăng cạnh tranh, giá sợi Việt Nam không cạnh tranh được với giá sợi Trung Quốc. Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, “Toàn bộ ngành sợi Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sợi của Tập đoàn nói chung đang gần như lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.”

Với ngành may, đặc điểm lớn nhất của ngành may năm 2022 từ quý 4/2022 là đơn hàng rất nhỏ lẻ. “Chưa bao giờ các doanh nghiệp vay quy mô hàng nghìn lao động mà phải nhận những đơn hàng từ 500 – 1000 chiếc áo” - Ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ. Mặt hàng không đúng sở trường vẫn phải nhận để đảm bảo sản xuất. Trong khi đó, đơn giá hàng may lại giảm sâu, giá gia công của nhiều đơn vị ngành may có những mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương và xu thế chuyển dịch đơn hàng. Vinatex cho biết, nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác, trước hết là đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, như Trung Quốc với tỷ giá hiện tại thấp hơn 10% so với giai đoạn trước dịch. Cùng với đó là lãi suất khoản vay tại Việt Nam cũng dao động cao hơn mức tại các quốc gia này từ 5-7%/năm.

Ngoài các yếu tố trên, theo thống kê của trang Trading Economics chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng và cao hơn 1 số nước như Bangladesk, Campuchia, Ấn độ, …. Đồng thời, giá điện Việt Nam đã tăng 3% cũng kéo theo nhiều "áp lực" đối với các doanh nghiệp dệt may. Tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên trong thời gian gần đây cũng ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Vinatex cho biết, trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62 nghìn lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Các thị trường lớn có thể khởi sắc từ quý 4

Theo Vinatex, ngành dệt may Việt Nam được dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2023, các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đi cùng với chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu.

Theo cập nhật mới nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ giảm từ mức 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023 và 3% năm 2024.

Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với tăng trưởng doanh số dự báo 1 -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường Châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với đối chậm từ năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19. Các nhãn hàng cũng đòi hỏi khắt khe hơn, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế...

Bên cạnh đó là sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, dự đoán bắt đầu từ quý 4/2023, các thị trường, đặc biệt là thị trường sợi sẽ có diễn biến tích cực hơn khi mà một số dấu hiệu của các nền kinh tế lớn, các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đã khởi sắc, khiến cầu về dệt may tăng trở lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vinatex: "Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô hàng nghìn lao động mà phải nhận những đơn hàng từ 500 – 1000 chiếc áo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO