Doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng 2 chữ số
Tổng doanh thu hợp nhất Quý IV/2024 đạt 15.485 tỷ đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ. Doanh thu thuần từ thị trường trong nước đạt 12.843 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường nước ngoài đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp đạt tăng trưởng dương, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ.
Năm 2024, doanh thu thuần nước ngoài đạt 10.983 tỷ đồng, tăng 12,6%. Động lực tăng trưởng không chỉ đến từ các thị trường truyền thống mà còn từ các thị trường cao cấp như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ. Một số thị trường ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ hai đến ba chữ số so với cùng kỳ.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đang phát triển thêm nhiều hình thức kinh doanh mới để khai thác tối đa thị trường xuất khẩu dư địa tăng trưởng tốt và tận dụng hết thế mạnh về năng lực sản xuất, cung ứng của Vinamilk.
Bên cạnh xuất khẩu, tính riêng 3 tháng cuối năm 2024, thì động lực tăng trưởng của thị trường nước ngoài đến từ 2 công ty con là Angkor Milk (Campuchia) và Driftwood (Mỹ). Angkor Milk đạt tăng trưởng hơn 20% nhờ đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và giới thiệu các sản phẩm mới. Trong khi đó, Driftwood tại Mỹ ghi nhận doanh thu tăng trưởng trên 10% nhờ nỗ lực phát triển kênh phân phối. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 5.319 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng tốc đáng kể so với mức tăng 6,5% của năm trước.
Ra mắt nhiều sản phẩm đột phá, doanh thu nội địa bắt đà phục hồi
Lũy kế năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất đạt 61.824 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Xét về cấu trúc doanh thu, thị trường nội địa vẫn đóng góp chính với 50.799 tỷ đồng, tăng nhẹ 0.4% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực trong giai đoạn nhiều “chông gai” của thị trường nói chung và ngành F&B nói riêng năm qua. Năm 2024, lợi nhuận sau thuế Vinamilk ghi nhận 9.453 tỷ đồng đạt mục tiêu đề ra, nhờ kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành.
Đối với thị trường trong nước, các sản phẩm đóng góp tích cực vào tăng trưởng của Vinamilk gồm sữa đặc, sữa chua ăn, sữa bột người lớn, sữa hạt... Một số ngành hàng nổi bật như: sữa hạt của Vinamilk “vươn lên” mạnh mẽ dù chỉ mới ra mắt hơn 2 năm và liên tục tung ra hàng loạt sản phẩm mới đột phá như Sữa hạt cao đạm là dòng sản phẩm tiên phong, góp phần giúp ngành hàng này tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Sữa đặc – một ngành hàng tưởng chừng khó tìm được cơ hội tăng trưởng do đã quá lớn, vẫn ghi nhận tăng kỉ lục nhờ vào gợi ý sử dụng để nấu nướng, pha chế thức uống… với nhiều công thức sáng tạo.
Sữa bột trẻ em đã có một năm lội ngược dòng sau khi có các chiến lược tái định vị thương hiệu và sản phẩm. Dẫn dắt phân khúc cao cấp, Green Farm vẫn là “chiến binh” của Vinamilk với một năm rực rỡ khi có nhiều chiến dịch truyền thông điểm nhấn, sản phẩm được đầu tư công nghệ chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Những cải tiến sản phẩm được đầu tư về cả hình ảnh, thiết kế bao bì và chất lượng, kết hợp với đẩy mạnh các chương trình dùng thử sản phẩm, giúp ghi điểm với người tiêu dùng. Năm 2024 là một năm bùng nổ của Vinamilk khi có đến hơn 125 sản phẩm được làm mới ra mắt thị trường ở gần như toàn bộ các ngành hàng. Với kết quả này, có thể nói Vinamilk đã hoàn thành thay đổi nhận diện cho toàn bộ sản phẩm, được đồng nhất theo bộ nhận diện thương hiệu mới, thể hiện tinh thần mới.
Không chỉ đổi mới bao bì, thiết kế, Vinamilk cũng nâng cấp chất lượng với các công nghệ chưa từng xuất hiện trên thị trường như công nghệ hút chân không Sữa tươi Green Farm, Green Farm cao đạm - ít béo – không lactose nhờ công nghệ siêu vi lọc, Sữa công thức trẻ em Optimum công thức cải tiến chứa đến 6 HMO (hàm lượng nhiều nhất tại thị trường Việt Nam)…
Năm 2024, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất Việt Nam theo Kantar Worldpanel năm thứ 12 liên tiếp và 16 năm liền được vinh danh Thương Hiệu Quốc Gia. Thương hiệu vẫn giữ vững vị trí trong Top 10 thương hiệu sữa có giá trị nhất toàn cầu theo Brand Finance.
Còn theo một khảo sát mới nhất của Ipsos (công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ 3 thế giới, trụ sở chính tại Pháp) tại Việt Nam, 73% người tiêu dùng đánh giá đơn vị là thương hiệu đổi mới sáng tạo (tăng 26% so với 2022), trong khi 58% cảm nhận thương hiệu mang tính cao cấp (tăng 10% so với 2022). Cả hai chỉ số này đều tăng đáng kể sau khi tái định vị và cho thấy các định hướng chiến lược của doanh nghiệp đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các chiến lược chuyển đổi toàn diện, quyết liệt trong năm qua cũng đang tạo nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp trong việc tạo ra quỹ đạo tăng trưởng mới trong những năm tiếp theo.