“Theo tính toán của chúng tôi, nếu thị trường quỹ mở Việt Nam phát triển ở mức tương đương Thái Lan thì quy mô tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán có thể tăng được 50 lần so với mức hiện tại”, chia sẻ của bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) trong buổi trò chuyện mới đây.
Theo thống kê của VinaCapital, ngành quản lý quỹ ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua, với tổng tài sản quản lý tăng 18%/năm; từ mức xấp xỉ 100 ngàn tỷ đồng năm 2014 lên 584 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 1/2023. Đặc biệt, tổng tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán (bao gồm quỹ mở, quỹ thành viên và quỹ chỉ số) được cấp phép đã lên tới 71,4 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với 10 năm trước. Số tài khoản đầu tư quỹ mở đã lên tới 1,3 triệu, một con số rất đáng khích lệ. Tuy nhiên cả số nhà đầu tư và tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán còn rất thấp so với tiềm năng phát triển của ngành.
Theo bà Thu, tiềm năng phát triển của quỹ mở và quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện còn rất lớn nếu khung pháp lý cũng như thuế được hoàn thiện. Ở các thị trường có ngành quỹ phát triển như Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, quy mô tổng tài sản ròng của các quỹ mở có thể lên tới 60 – 67% GDP, còn các quỹ hưu trí đã luôn là nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trên quy mô toàn cầu.
“Ngoài ra, tôi cho rằng ngành bảo hiểm sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới do độ phủ bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp và dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang có tốc độ tăng cao nhất khu vực ASEAN, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành quản lý quỹ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Với 20 năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản tại Việt Nam, đại diện VinaCapital chỉ ra ba đối tượng khách hàng chính hiện nay, gồm: đối tác phân phối, nhân viên bán hàng của đối tác phân phối, và nhà đầu tư.
VinaCapital cũng nhấn mạnh, do kiến thức cộng đồng về các sản phẩm quỹ còn chưa cao, nên quỹ phải chú trọng phân bổ nhiều nguồn lực cho giáo dục cộng đồng bao gồm việc tham gia đồng tổ chức nhiều hội thảo đầu tư với UBCKNN, tổ chức các sự kiện livestream chia sẻ kiến thức đầu tư, nhấn mạnh lợi ích của việc thuê chuyên gia quản lý tài sản…
Thực tế trên thế giới và quá trình phát triển tại Việt Nam cho thấy quỹ mở là loại hình quỹ chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường. Quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ.
Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, tính đến tháng 11/2022, UBCKNN đã cấp phép thành lập thêm cho 23 quỹ đầu tư mới (với tổng số vốn điều lệ huy động là gần 1.800 tỷ đồng) và cấp phép chào bán ra công chúng cho 4 quỹ đầu tư, nâng tổng số quỹ được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động trên thị trường lên 87 quỹ, bao gồm 48 quỹ mở, 11 quỹ ETF, 01 quỹ bất động sản, 2 quỹ đóng và 25 quỹ thành viên. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán tính đến tháng 10/2022 đạt hơn 73,4 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, có 44 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý thống kê tại thời điểm gần nhất (tháng 11/2022) ước tính khoảng 546 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo hoạt động kinh doanh các công ty quản lý quỹ vẫn được duy trì bình thường và có lãi, nhiều công ty đã huy động lập thêm được các quỹ đầu tư chứng khoán mới.
Theo giới chuyên môn, dù ra đời rất muộn so với thế giới và phát triển trong giai đoạn không thuận lợi, khi Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19, tuy nhiên, quản lý quỹ đã có một khung pháp lý đầy đủ và được định hướng phát triển một cách ổn định.